Cuộc hồi hương của lửa/Chương 1-TRẦN QUỐC TOÀN

minh họa của Trần Quốc Toàn
tôi đang cố moi lên từ đất chiếc đồng hồ cát, trên cao lũ chim sáo đá bay theo hướng những chiếc lá vàng, đất sình, những con đường đất nối đuôi chạy xuyên qua triền dốc, xuyên qua cánh đồng gòn, mang dáng vẻ một bàn tay với những đường chỉ móc vào nhau, sự hiện diện của bàn tay có từ trong bụng mẹ, nó chụm năm ngón vào nhau cho đến khi vỡ ói trôi tuột ra ngoài cơ thể, tôi nghĩ về nó, chiếc đồng hồ cát trong giấc mơ, mà tôi đã được báo trước, bởi, bức tranh cha cố tôi treo trên gian nhà gỗ, đám cưới của Peleus và Thertis, ông lão ghi chép trong cuốn sách Sự giễu nhại của thời gian, khi mất, ông chỉ tôi cách chỉnh cho thời gian theo cách con gà trống lên chuồng, nhưng quả thật tôi còn mơ hồ về nó, cho đến khi tôi bới đống đất trong vườn, thứ đất chân núi sình, thì quả là nó đã ở dưới đất và vẫn còn hai bình thủy tinh áp vào nhau bằng khoảng trống ở giữa,
cát chảy, như lúc tôi nhận ra gió thổi, hướng gió vòng quanh vùng chân núi, ông lão đặt tay lên tay tôi, – ông về rồi cháu ạ, tôi biết là ảo giác, nhưng quả là tôi đang ngồi với ông, lúc này cát chảy trong bình thủy tinh, như bị hút vào nó, thời gian trong bình chảy, hay là tôi cũng chảy vào thời gian, như bức tranh mô phỏng trên vách, những chiếc thuyền, mảnh thép, căn hầm, và ý niệm về thời gian,
[ tôi cứ bị thổi phồng lên như cách thế giới thổi phồng những tin tức, cuộc đi của hằng triệu dấu vết hãy còn là những lời thịnh nộ, mây mưa gió sấm chớp, cuộc thủy tạo lại hiện ngay trong tiếng gió ngoài phố thổi qua hàng thép gai đã ố màu, kèn trống và tiếng nhạc đưa đám, đêm lấp đầy bình dạ quang của trời đất, bầy chim sẻ lặng im trong lồng, có lẽ là kí ức sâu thẳm chăng? ]
để im bặt khung cửa sổ, những tháng ngày sống với dãy nhà trọ, người tứ phương mang trú vết về giọng nói của nhau, hủ tiếu, mì xào, thi thoảng nghe đâu đó giọng rao con hẻm, mùi ống cống thoát ra khỏi mặt đất, sách, cà phê, áo trắng cô sinh viên bưng bê thức ăn cho khách, đều cho tôi cái nhìn đầy đủ hơn, có lẽ, tôi đang nhớ thời gian trôi qua những giọt mưa,
hay những giọt mưa trôi qua tôi lặng lẽ, tôi thả hồn vào một bài nhạc cổ, có cây xanh đứng giữa trời làm nơi trú ẩn của bọn chim sẻ, chim dồng dộc, chim chào mào,
ông lão lại hiện về trong giấc ngủ của tôi, sáng nay, khi thức dậy, trong họng tôi còn ứ đầy những hình ảnh xa xưa, đó là chiếc áo cũ, bước chân trần trên đường cái, một vài bông dâm bụt quanh khuôn viên,
bài hát của mây ngàn, trên bức hoạ của Thiết, tôi nghĩ ra mình đã từng uống quá nửa đêm, lên xe và chạy trong đêm đen, tôi đang nhớ một người nhạc sỹ nghèo [ tuy nhiên, ông nghèo vì ông giữ cái đạo người làm ra thứ âm thanh của trần thế, hồn có sạch, có trăn trở, đau đớn cho tha nhân, thì ông mới viết nhạc được,] còn mang phận người, như chiếc xe đi qua cầu, còn luyến nhớ dòng nước trôi dưới chân mình, lục bình trôi, trăng về trên phố vắng,
chiếc radio tiệm cắt tóc mở cả ngày, những chuyến xe thồ hàng qua lại, khu chợ cả tây lẫn ta đi chung với nhau, nhưng thức ăn đồ uống lại Việt nguyên chất- đây là Việt Nam, các ông nhé, thằng bé nói với ông tây balo như thế,
chợ, dường như là chợ trời, thời pháp thuộc thì chợ trời có nhiều nét quê hơn bây giờ, tôi dở tập ảnh cũ của cha cố tôi để lại, thời ấy mọi thứ đều trắng đen, ít chỉnh sửa như bây giờ,
thời xanh xưa, phải rồi, nay thì xanh xương, [ con khỉ rừng sâu ôm con trong đôi bàn tay run rẩy, con người đi giết tổ tiên của mình chăng? ] hay từ lúc khai thiên lập địa, trước khi là homo sapiens , loài vượn loài khỉ không có mặt, [ là huyền sử của vượn của khỉ] ông lão nói vào tai tôi- cháu của ta, triết học về cái hang đã mang lại cho loài người những câu hỏi về tổ tiên mình, ở xứ sở ta, có người đã viết nên quyển triết học về cái hang, – vậy giờ người ấy ở đâu, ông lão nói, – như con vật đi hỏng hết hai chân lên trên ngọn cây, chắc hẳn lũ chim tìm nhau trong tâm thức của buổi trưa nắng, bình an dưới một mái nhà, quanh quẩn hồn trong nhà lưu niệm của kí ức, cái ẩn dấu trong cô đơn, là phong thư từ việc đi qua những nghĩa trang lạnh lẽo- anh đã đi qua nơi ấy bằng tất cả niềm xúc cảm thường nhật và bây giờ là việc nằm gợi tưởng về thế giới trên cây chưa?
tôi lại nghe trong não ông lối rẽ của dòng thác xuống nơi bầy bươm bướm đang thắt nơ cho bà lão[ có lẽ là vợ ông] những dòng nước ngọt, mát mẻ, và tôi hãy còn là một đứa bé đang ngồi vắt chân lên đá, nhìn trừu tượng về cách thức mà tôi đã lớn lên, ôi- không, một đứa bé hãy còn trừu tượng về đám mây chiều ghé qua miền cỏ hoa này,
[ bước ra từ thế kỉ trụi trần, mọi cỏ hoa in vào tâm thức đất, tâm thức gió, một bước đi về nơi vách đá, rêu cong dấu hỏi đã nghìn năm] ,
hàng hàng cây cọ đứng nhấm nháp sắc màu trong buổi chiều mưa xứ sở, hàng hàng tổ con trùng trong đêm cựa quậy, gọi đó là mống nắng của đêm, là tuyết lãnh của đêm, hay là lối rẽ đã định cho bước chân một hành giả, sự trống rỗng của thế gian, gùi trên lưng ngôn ngữ xương, ngôn ngữ giáp cốt, tia sét bật ra giữa minh mông, chừng như duyên khởi, nơi lửa vẽ ra hình bóng khởi nguyên của loài homo sapiens, là homo sapiens, cánh bướm khiêu khích tôi, tro tàn khiêu khích tôi- và homo sapiens không còn là homo sapiens khi lưỡng cư giữa núi và biển, giữa cây bút truyền thần của loài linh trưởng ngủ muộn, dấu vết homo sapiens là dấu chân cô độc,
ngày đã tàn, nhành rong trôi dạt, trầm hương đốt bên áng thư, linh thứu dấu chân trần còn đọng nơi tiềm thức, gõ vào vách đá xem- à, âm vọng trống mái đã trở lại vùng đất cổ xưa này, cổ xưa mấy ngọn cây trăm nghìn năm ngã xuống nơi rừng thiêng,
những ngón chân đen bám đất, cổ xưa, cây đèn sáp ong chúa tư lự bên viền gạch,
những cuộc hồi hương của lửa làm tôi cảm thấy nhứt buốt cả sống lưng, trong một ngày nắng xâm chiếm căn phòng, thì đột nhiên ý thức về xương, hay, trên những ngọn cỏ bông may quyến rũ tôi trở lại câu chuyện của ngọn đèn dầu lụn bấc,
cái trăn trở luôn nung nấu trong óc sọ, hư vô ngoài hư vô có phải chiều đang nghiêng xuống nơi vành tai chú nghé con, – này hỡi mây, ở chốn này không có chuyện lạm bàn về tình dục, hay tình dục là dòng máu của đất đai, chuyền vào sinh khí vạn vật, chuyện chỉ vậy, mà sao bao nhiêu giấy mực cứ đổ ào ào vào những việc ấy nhỉ? có phải là cõi nhiễm tạp, để làm rối rắm nhận thức của tờ giấy trắng,
thôi! chú nghé con bị lời nguyền, vì lỡ sinh ra có chòm lông trắng ở giữa trán, chòm lông như bông hoa lạ, cõi đất này kiếm đâu ra chòm lông lạ thường như thế- lão ẩn cư trên núi đã lâu năm chưa về lại nơi ruộng đồng, lão bảo – các ngươi hãy về nơi đã cưu mang loài người, nơi những hạt lúa trên đồng ruộng, còn phần lão, đêm kinh sách là lá rừng, nhạc là suối, bè bạn là những con vật bay nhảy trên cành cây,
mùa thu đến, dòng suối cạn đi, bầy khỉ đuôi ngắn tìm đến bên lão, ngồi vẹt mái tóc trắng, nhóp nhép kêu chiều rừng thiêng,
năm chiếc lá ướm đầy nước sương, bóng tối nằm trong chiếc lá, chiếc lá cuộn loài sâu che chở mảnh hình hài, như để sớm mai mở ra cho chúng thành con bướm cất cánh bay qua bên kia những ngọn đồi, tìm đến nhà cũ của lão,
con bướm kéo cả đàn bướm bay qua năm con suối, bảy ngọn đồi, nghỉ cánh trên vùng lũng nước, cuối cùng cũng đến nhà cũ của lão, nơi đầu tường, vách đã chằng chịt dây leo, hoa tím, hoa xanh, hoa trắng, bung đầy trên vách, nơi vợ lão mở cửa cùng con mèo tròn lông vàng đeo- ô! cuối cùng các bạn cũng đã đến, bà lão dắt dê ra khỏi chuồng, đặt một vòm lá to lên tảng đá, đổ mật ong lên lá, – ta mời các bạn dùng bữa sáng nhé,
tháng mười trong thung lũng, có người ngồi viết sử, gọng kiếng đã gãy những vòng dây nhợ buộc giữ gọng kính cũng ố màu thời gian, – ở đây không được phép nói chuyện về duy lý duy tâm duy vật nhé, người biên sử làng nói với một người đàn ông đang đến làng để nghiên cứu về cách thức mà ngôi làng đã tồn tại,
hòn đất bật đậy ngậm lấy một giọt sương, cây khô bật dậy tự mọc ra lá, gió cuộn vào nhau như thanh tẩy kì cọ những vết bụi của đường xa, con kì nhông leo lên cái cối đá hửng nắng nhép mắt cười ma quái, còn các bạn ta- những con bướm mà người xưa ( có thể là cổ nhân đã nói ) cứ cho là vậy,
( còn tiếp)
Please follow and like us:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *