Jurga Martin/sculptures/Europe
Đến mùa Giáng Sinh, dù bận bịu tới đâu, cách biệt phương trời nào, Việt cũng sắp xếp về quê một chuyến. Lần này cũng vậy, đêm Noel, Việt hòa vào dòng người đi lễ trong cái lạnh tê người. Con đường đến nhà thờ ban ngày vắng vẻ, người xe thưa thớt, giờ dập dìu, náo nhiệt. Qua vòm cổng, trên khoảng sân rộng vuông vức, đông đảo người đi lại dưới những vòm thông nhấp nháy ánh màu. Hoặc tới hòn giả sơn ngắm tượng Chúa hài đồng trong hang đá, hay ghé vào các gian hàng mua mấy món đồ lưu niệm. Là người ngoại đạo, Việt không đến nhà thờ với đức tin mừng Chúa Giêsu ra đời. Cũng không như những thị dân quanh năm tất bật mưu sinh, đi lễ là dịp xả stress, vui chơi bên người thân. Việt lãnh đạm với mọi thứ đang diễn ra. Bởi bồn chồn mong đợi Thu Dung. Thấp thỏm hi vọng giữa đám đông xa lạ kia, Thu Dung bất ngờ xuất hiện, rạng rỡ, đáng yêu như Giáng Sinh năm nào, bồi hồi nép vào anh, cùng vào giáo đường dự lễ… Việt còn nhớ, khi ra về, Thu Dung bất chợt hỏi: “Anh cầu Chúa điều gì?”. Việt cười: “Em nghĩ như thế nào sẽ đúng như thế đó”. “Anh biết em nghĩ điều gì không?”. Mắt Thu Dung lấp lánh yêu thương. Lòng Việt rộn rã niềm hạnh phúc. Lời Thu Dung thủ thỉ còn vẳng đâu đây: “Sau này, nếu gặp trắc trở phải chia xa, còn nhớ nhau, đêm Noel hãy về đây, Chúa nhân từ sẽ giúp bỏ qua tất cả, để mình mãi có nhau trong đời, nghen anh”. Mấy mùa Giáng Sinh rồi, Việt trở về. Vẫn không thấy Thu Dung… Việt càng giận trách mình. Lúc Thu Dung khổ đau tuyệt vọng, mình lại hững hờ quay lưng. Vì nông nổi, ích kỉ đã đánh mất Thu Dung… Việt buồn bã thở dài…
*
Ngày ấy, tốt nghiệp Cao đẳng âm nhạc, Thu Dung về dạy ở Trường trung học cơ sở thị xã. Thu Dung xinh đẹp, hát hay, năng nổ tham gia công tác nhà trường, tính lại hiền lành, hòa nhã nên được đồng nghiệp và học sinh quí mến. Thu Dung quen Việt trong dịp tình cờ. Việt chơi piano trong giàn nhạc thị xã. Người bạn thân nhất của Việt là Khởi, phụ trách đội văn nghệ nhà thờ. Khởi nhờ Việt tập một số bài cho đội Thánh ca hát mừng lễ Chúa Phục Sinh. Thu Dung là giọng ca nữ lĩnh xướng. Chàng nhạc công tài hoa, mái tóc bồng bềnh, tiếng đàn ngọt lịm, thái độ ân cần niềm nở, tận tình chỉ bảo khi tập luyện làm Thu Dung xao động. Bên nhau, Việt luôn tôn trọng Thu Dung. Anh không thuộc tốp con trai luôn tìm cách kéo bạn tình lên giường thỏa mãn xác thịt, xem đó là chuyện bình thường của tình yêu thời @. Việt cư xử dịu dàng, âu yếm chừng mực. Có phải vì thế, hay vì chất nghệ sĩ lãng tử ở Việt mà Thu Dung càng yêu quý anh hơn. Ngày Tết, Việt đến nhà Thu Dung chơi. Trên cái bàn ở vị trí trang trọng trong phòng khách, chỉ có một bình hoa dã quỳ. Hoa sắc vàng nuột nà, cánh xòe ra như những cánh tay mềm mại uyển chuyển trong vũ khúc xuân. Việt hỏi: “Sao em không cắm hoa hồng hoặc lưu ly đẹp và sang trọng hơn?”. Thu Dung mỉm cười đáp: “Em rất thích loại hoa này. Quí lắm anh. Nhỏ bạn em dạy học ở vùng cao cất công mang về tặng chơi mấy bữa xuân. Hoa mộc mạc, dân dã nhưng gắn với một sự tích hết sức cảm động”. Thu Dung kể, xưa có Nàng H’Linh và chàng K’Lang ở bộ tộc Lasiêng yêu nhau thắm thiết. Tên LaRihn, con trai tộc trưởng say đắm H’Linh. Hắn ghen tức, dẫn đám bộ hạ bắt trói K’Lang hành hình đến chết. H’Linh đã ôm lấy K’Lang hứng mũi tên tàn độc của LaRihn cùng chết với người yêu. Nơi hai người ngã xuống, hoa dã quỳ mọc lên, nảy nở sinh sôi, bất tử với đời… Thu Dung ngước nhìn Việt: “Tình yêu của họ đẹp quá phải không anh?”. Việt gật đầu. Lúc rỗi rảnh, Việt thường đệm đàn cho Thu Dung hát. Cô thích nhất là “Bài thánh ca buồn”, hát đi hát lại không biết chán. Mỗi lần giai điệu cất lên, tiếng đàn hòa quyện tiếng hát ngây ngất đắm say: “Bài thánh ca đó còn nhớ không em/ Noel năm nào chúng mình có nhau/ Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt/ Áo trắng em bay như cánh thiên thần”…
Nhưng Việt có nỗi lo riêng. Ba mẹ không bằng lòng chuyện tình duyên của anh. Ba bảo: “Không ổn đâu. Con bên lương, nó bên đạo, quá nhiều khác biệt. Con lại là đích tôn, có trách nhiệm lo việc hương khói, thờ cúng ông bà, gìn giữ nếp nhà. Vợ con phải là đứa nền nếp gia phong mới cùng gánh vác công việc đó được”. Việt kiên quyết: “Con đã chọn Thu Dung. Không cô gái nào có thể thay thế cô ấy. Điều ba vừa nói, con sẽ cố gắng chu toàn. Ba mẹ hãy tin vào con”. Ba mẹ không cho lời Việt là phải. Nhưng biết làm sao đây? Thời buổi này, làm sao ngăn cấm được tình yêu con trẻ. Với lại, qua mấy lần tiếp xúc, cả nhà đều có thiện cảm với Thu Dung. Mẹ Việt khen: “Con bé nhu mì, nết na, lễ phép. Bây giờ tìm một đứa con gái như thế khó lắm”.
Thu Dung cũng khổ tâm không kém. Ba mẹ muốn cô lấy người trong đạo để thuận lợi cho việc chung sống và nuôi dạy con cái sau này. Lấy người ngoại đạo, sẽ có những rào cản khó vượt qua. Bao nhiêu cặp vợ chồng khác đạo đã đổ vỡ hạnh phúc, để lại hệ lụy đau lòng. Cũng như Việt, Thu Dung một mực đinh ninh tình yêu nồng thắm sẽ là động lực vượt qua mọi ngăn cách. Trước quyết tâm của con, được sự chấp thuận của Cha quản xứ, ba mẹ Thu Dung đành phải xuôi chiều.
*
Áp lực từ hai gia đình dần được dở bỏ. Việt và Thu Dung bàn tính chuyện tương lai. Bạn bè, đồng nghiệp mừng cho hai người. Khởi cười hề hề: “Tao chuẩn bị con heo đất bỏ tiền góp dần, chờ tụi bay làm đám cưới, mua quà chúc mừng”. Chỉ có Trần Hạt là ngấm ngầm ghen tức. Trần Hạt dạy trước Thu Dung ba năm. Từ phút đầu gặp mặt, đã ngơ ngẩn, si mê, thả thính, kết bạn trên Facebook, chát chít, mời đi cà phê cùng nhóm giáo viên trẻ. Thu Dung vui vẻ đồng ý, xem đây là dịp hòa đồng với các đồng nghiệp. Trần Hạt tán tỉnh, dở đủ chiêu trò nhưng chẳng ăn thua gì. Thu Dung khéo léo từ chối những món quà đắt tiền, dửng dưng trước bao lời hứa hẹn đường mật… Trần Hạt theo đuổi vô vọng, càng thêm ấm ức…
Trần Hạt là quí tử của một gia đình có thế lực ở thị xã. Được nuông chiều từ nhỏ, Trần Hạt lười nhác học hành, lêu lổng, ngổ ngáo. Thi đại học rớt, điểm thấp đệch, chỉ đủ xét vào trường Cao đẳng Sư phạm đang thiếu chỉ tiêu tuyển sinh. Việc đứng trên bục giảng đã được ba mẹ sắp đặt bằng các mối quan hệ. Trần Hạt thờ ơ với nghề, thường đi trễ về sớm, có khi bỏ tiết. Bộ dạng không ra dáng người thầy, tóc cắt tỉa cầu kì, bôi keo bóng mượt, ăn mặc kệch cỡm, bộ điệu khinh khỉnh, nói năng lất khất, cười nói chả chớn, không kể người lớn kẻ nhỏ. Với vai trò đầu têu, Trần Hạt thường tụ tập bạn bè, chơi bời trác táng. Có lắm tiền, sẵn sàng chi đẹp nên được cả nhóm ngưỡng mộ. Trong đó có Quế Nữ, nhân viên bán hàng cho một shop thời trang trên phố. Quế Nữ nhan sắc khá, tính khí đỏng đảnh thất thường, thích làm điệu, ra vẻ kiêu kì. Quế Nữ coi Trần Hạt là thần tượng, cặp bồ, dắt nhau vào nhà nghỉ thường xuyên, để mặt trần, gặp người quen cười toe toét. Phụ huynh học sinh thấy chướng tai gai mắt, dè bĩu: “Thầy bà gì lạ vậy?”; “Ngữ ấy dạy dỗ con em mình thì hỏng bét!”.
Trần Hạt phớt lờ, trơ lì quá quắt. Ban giám hiệu gọi tới kiểm điểm về việc vi phạm các quy chế chuyên môn, về đạo đức nhà giáo. Trần Hạt thản nhiên: “Các ông đừng nhiều lời vô ích! Muốn kỷ luật tôi thì cứ việc! Bất quá nghỉ là cùng! Báu xá gì mấy đồng bạc lương còm cõi đó”. Thu thập đủ chứng cứ, lãnh đạo nhà trường quyết định mở hội đồng kỷ luật. Nhưng chưa kịp thực hiện, thầy hiệu trưởng nhận được điện thoại của trưởng phòng: “Đừng làm căng với thầy Hạt nữa. Nhẹ nhàng bảo ban, nhắc nhở thôi. Coi chừng gặp rắc rối đó. Thầy hiểu ý tôi chứ?”. Hiệu trưởng lắc đầu ngao ngán. Nhiều giáo viên kỳ cựu tâm huyết với trường lớp thầm xót xa cho cái nghề “Khuôn vàng thước ngọc” đang bị nhiễm tạp. Trần Hạt càng vênh váo tợn. Trong một cuộc nhậu, men rượu bốc lên, Trần Hạt tưng tửng nói: “Tụi nó tức thì vỡ mạch máu mà ngoẻo đi. Làm đếch gì được tao nào. Đứa nào cương thì coi chừng hối tiếc không kịp”. Trần Hạt làm điệu bộ nheo mắt, đưa tay gạt ngang cổ. Cả bọn thích chí cười hô hố.
Trước đây, có lần Trần Hạt lên mặt với đám bạn: “Cái gì tao muốn là có. Còn gái đẹp, tao mà thích là OK ngay lập tức”. Nhưng tán không được Thu Dung, Trần Hạt bẽ mặt ê chề. Đám bạn kia nhắc lại lời ấy châm chọc, kích động. Như chạm nọc, Trần Hạt tức tối thề phải chiếm đoạt Thu Dung bằng mọi giá. Đầu óc luôn tơ tưởng giây phút kề cận, ôm ấp Thu Dung, mơn trớn tấm thân mỹ miều. Thấy Thu Dung quấn quýt, thân mật với Việt, Trần Hạt cay cú: “Có ngày, tao sẽ dày vò thân xác mày đến tơi tả mới hả hê. Rồi mày khóc lóc ỉ ôi, lạy lục van xin như bao đứa con gái từng qua tay tao mà coi!”.
Hình ảnh Thu Dung ngày thêm ám ảnh bức bối. Một hôm, trong căn phòng sáng lờ nhờ phảng phất mùi nước hoa, Trần Hạt ôm ghì Quế Nữ đè xuống giường, quấn vào nhau, rên rỉ trong khoái lạc. Lúc cao trào, không kìm được, Trần Hạt mê cuồng thốt lên: “Thu Dung! Thu Dung!”. Nghe thế, Quế Nữ nóng mặt đẩy Trần Hạt lăn xuống giường, hét lên: “Khốn nạn, làm tình với tôi mà đầu óc nghĩ tới nó. Tôi là kẻ để anh thỏa mãn dục vọng sao?”. Trần Hạt biết đã hớ, có chống chế cũng vô ích, đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Quế Nữ uất nghẹn vùng vằng kéo chăn quấn vào người, quay mặt vào tường, tức tưởi. Trần Hạt bình tĩnh trở lại, chồm tới, nắm bờ vai, lay lay: “Việc gì làm khổ mình thế. Từ nay không gọi cái tên đó nữa là được chứ gì”. Quế Nữ càng điên tiết: “Đồ tồi. Đừng đụng vào tôi. Cút đi!”. Trần Hạt nhún vai, đủng đỉnh mặc quần áo, thản nhiên châm điếu thuốc phì phèo nhả khói, lạnh lùng đi ra cửa, miệng lẩm bẩm: “Đi thì đi! Thử xem, làm mình làm mẩy được bao lâu cho biết?”. Trần Hạt quá hiểu, Quế Nữ không thể rời xa mình. Ít hôm nữa, sẽ gọi điện làm lành. Mà dù có thôi luôn đi nữa thì đã sao. Có mất mát gì đâu mà ngán. Rồi huýt sáo ra xe nổ máy phóng vèo…
Quả nhiên, chỉ được một tuần, Quế Nữ nhắn tin hẹn gặp. Với Quế Nữ, một tuần nhạt nhẽo, vô vị, buồn tẻ, thiếu vắng đã quá đủ rồi. Thôi thì nhẫn nhịn, chấp nhận, bám víu để tiếp tục tận hưởng những cuộc vui như tháng ngày đã qua. Những cuộc vui đã ngấm vào máu thịt, như hơi thở của cuộc sống thường nhật. Bề ngoài, mọi chuyện tiếp diễn như chưa từng xảy ra điều gì. Tới shop bán hàng, vắng khách, mắt dán vào điện thoại, nhắn tin, hò hẹn, thai nghén những ý tưởng làm mới cuộc chơi đôi khi lặp lại đến nhàm chán. Nhưng trong lòng Quế Nữ, cảm giác đau đớn, nhục nhã của kẻ bị đóng thế vai đêm ấy luôn cộm lên nhứt buốt, như bóng đen u tối lởn vởn ngày thêm nặng nề. Quế Nữ lại cay đắng nhận ra Trần Hạt không còn mặn nồng với mình. Nỗi căm hận ngày một tăng dần. Hận Trần Hạt ít nhưng hận Thu Dung nhiều. Gương mặt kẻ tình địch ghét tận xương tủy luôn trở đi trở lại trong đầu. Quế Nữ nghiến răng: “Chỉ tại mày mà ra! Mày phải biết tay Quế Nữ này. Tao khổ một, mày phải khổ tới mười mới hả”. Mỗi lần gặp Thu Dung, Quế Nữ hằn học lườm nguýt, lấy lời cay độc bóng gió… Thầy Phương, tổng phụ trách đội nhà trường rất quí Thu Dung. Thầy lo lắng cảnh báo: “Em cẩn thận đề phòng. Những kẻ ấy lắm thủ đoạn, liều lĩnh, chuyện gì cũng dám làm. Chỉ một sơ sẩy nhỏ là xảy ra tai họa đó”. Nhưng Thu Dung không để tâm, thầm nhủ: “Mình không làm điều gì trái với lương tâm là được”. Ngày lại ngày lên lớp bình thường, như không có gì xảy ra…
*
Nhìn tấm ảnh trên mạng, Việt điếng cả người. Một đôi nam nữ lõa lồ. Gã con trai cúi đầu sát vồng ngực cô gái, chỉ thấy nửa mặt. Nhưng nhận ra ngay: Trần Hạt. Cô gái mắt nhắm nghiền. Đó là Thu Dung. Có cái gì vụn vỡ, đau thắt như bóp nghẹt lồng ngực. Sao lại có chuyện như thế được? Phải chăng đây là trò lắp ghép bôi nhọ bằng kỹ thuật photoshop thường thấy trên thế giới ảo? Việt cố tìm một điểm dù nhỏ nhất trên tấm ảnh để nghi ngờ đây là sự ngụy tạo. Một chút nghi ngờ thôi cũng đủ thắp lên hi vọng. Nhưng đành chịu. Thu Dung đã lừa dối sao? Mình cả tin chăng? Lẽ nào như vậy? Phải gặp Thu Dung để nghe một lời giải thích. Việt rút điện thoại nhắn tin Thu Dung…
Việt vào quán cà phê, tới chỗ cái góc quen thuộc, khuất sau chậu cây cảnh. Thu Dung đã đến từ lúc nào, mặt mũi bơ phờ, mắt thâm quầng, bối rối quay nhìn chỗ khác khi Việt xuất hiện. Ly cam vắt trước mặt vẫn còn nguyên. Việt hỏi: “Thật sự đã xảy ra chuyện gì?”. Thu Dung nghẹn ngào, nước mắt lưng tròng: “Quả tình em cũng không hiểu nữa. Trần Hạt tổ chức sinh nhật. Ban đầu, em ngần ngại muốn từ chối. Nhưng cầm lòng không được trước sự rủ rê của các đồng nghiệp. Lúc đó, em lại nghĩ mình tới dự tiệc, có hề gì đâu… Mọi việc bình thường cho tới khi tỉnh dậy…”. Việt hụt hẫng tê tái cả lòng. Miệng đắng nghét. Trông Thu Dung thật tội nghiệp. Giọt nước mắt lăn thành dòng trên gò má. Bất giác, Việt muốn lau những dòng nước mắt đáng thương ấy. Nhưng có một cái gì ngăn lại. Liệu còn ẩn khuất nào trong lời nói Thu Dung không? Tấm ảnh trên mạng lại hiện ra, lồ lộ, trần trụi, phũ phàng. Vẻ mặt mãn nguyện của Trần Hạt. Chợt một giọng nói ong óng trong tai: “Mày quí trọng cô ta, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Rốt cuộc thì sao? Cô ta lên giường với gã ấy. Giờ thiên hạ đều biết, mặc sức bàn tán chế giễu. Vậy mà mày còn muốn gắn bó với cô ta nữa à?”. Lòng tự ái trỗi dậy. Mắt tối sầm. Không còn nghĩ gì nữa. Việt lạnh lùng gọi cô tiếp viên tính tiền, rồi vội vàng bước đi, bất chấp tiếng Thu Dung gọi với theo: “Anh Việt! Anh Việt!”…
*
Việt vào Thành phố Hồ Chí Minh chơi đàn cho các phòng trà, tụ điểm ca nhạc. Trước đây, bạn bè trong đó mời mọc nhiều lần nhưng Việt đều từ chối. Lần đi này, Việt muốn xóa nhòa tất cả, Thu Dung và những chuyện buồn đã qua. Nhưng lạ làm sao, sau những giờ phút ồn ào, xô bồ, say trong men rượu, lắc lư trong tiếng nhạc xập xình, còn một mình, Việt lại nhớ Thu Dung. Nỗi nhớ ngày thêm quay quắt. Việt buồn rầu nhận ra không thể nào quên được Thu Dung. Hôm đó, nghe tiếng chuông điện thoại, Việt cầm máy lên. Tiếng thầy Phương: “Tôi có việc vào thành phố, nhân tiện muốn gặp Việt trao đổi một chuyện”. Việt hết sức ngạc nhiên. Trước kia, biết thầy qua Thu Dung giới thiệu. Nhưng Việt vào thành phố đã nửa năm, không liên lạc. Thầy Phương đột ngột muốn gặp. Chắc có chuyện gì đây. Linh tính mách bảo, chuyện thầy nói có lẽ liên quan đến Thu Dung.
Đúng như Việt Nghĩ. Thầy Phương không vòng vo, nói thẳng vào vấn đề: “Hồi đó, mọi người hiểu lầm, dè bỉu, khinh miệt Thu Dung. Nhưng cô ấy chỉ là nạn nhân của một trò đốn mạt!”. “Trò đốn mạt!”, Việt thảng thốt kêu lên. Thầy Phương chép miệng: “Phải, đáng buồn là chuyện như vậy lại xảy ra trong nhà trường, ngay chính người cầm phấn”. Theo lời thầy Phương, tấm ảnh phát tán trên mạng tạo dư luận xấu ảnh hưởng đến danh dự, uy tín nhà trường. Công an vào cuộc và đã có kết luận điều tra. Quế Nữ đã mưu tính với Trần Hạt. Trong tiệc sinh nhật, nhân lúc Thu Dung sơ ý, đã lén bỏ thuốc vào ly nước… Việt đau đớn kêu lên: “Sao lại xảy ra chuyện đê tiện như vậy?”. Thầy Phương chua chát: “Chúng phải trả giá trước pháp luật. Nhưng hậu quả gây ra biết lấy gì bù đắp được”. Lòng xốn xang, Việt hỏi nhanh: “Xin thầy cho biết Thu Dung bây giờ thế nào?”. Thầy Phương ngậm ngùi: “Cô ấy đã nộp đơn xin nghỉ dạy, lảng tránh mọi người, trông suy sụp, thật đáng thương. Cô ấy rất cần một sự sẻ chia”. Niềm hối hận dâng trào, mắt rưng rưng, Việt nắm chặt tay thầy Phương: “Vâng! Em hiểu”.
Chia tay thầy Phương, Việt điện thoại ngay cho Thu Dung. Không bắt máy. Nhiều lần gửi tin nhắn. Không trả lời. Việt lên tàu về quê. Thu Dung cùng gia đình vừa chuyển đi nơi khác. Việt và Khởi cất công dò hỏi nhưng không ai biết đi đâu. Khởi an ủi: “Mày yên tâm đi. Tao sẽ tìm giúp. Có tin gì về cô ấy sẽ báo ngay”. Nhưng mấy năm rồi vẫn bặt vô âm tín…
*
Qua đêm Noel, Việt chuẩn bị trở vào thành phố, Khởi bất ngờ tìm gặp: “Ở lại giúp tao ít hôm. Qua Tết Tây rồi đi”. Khởi nửa úp nửa mở: “Tao sẽ giành cho mày một bất ngờ”. Việt tò mò: “Nói thử coi”. Khởi nheo mắt cười: “Bí mật, sẽ hấp dẫn với mày lắm đấy”. Việt gật đầu. Vẻ mặt Khởi rạng rỡ: “Mày sẽ không uổng công đâu nhé”. Vừa rồi Cha xứ giao cho Khởi nhiệm vụ tổ chức tập dượt một số tiết mục văn nghệ lên giao lưu với một giáo xứ ở một huyện miền núi nhân ngày Tết Dương lịch. Cha xứ trên đó có lời mời. Hai vị Cha xứ vốn là bạn thân hồi cùng học ở Đại chủng viện. Cha xứ căn dặn Khởi: “Phải chuẩn bị thật chu đáo, chương trình của mình là cơ bản. Trên ấy chỉ góp thêm vào. Điều kiện trên ấy còn khó khăn, ráng mà làm cho tốt”. Khởi đã lên tiền trạm, nắm bắt tình hình qua cô Vân, phụ trách đội văn nghệ giáo xứ.
Từ đường quốc lộ rẽ vào, xe chạy trên những đoạn đường dồng dốc, qua rất nhiều đồi núi. Khoảng 3 giờ chiều tới nơi. Không quản mệt nhọc sau một hành trình dài, Việt bắt tay ngay vào công việc. Vân đưa chương trình cho Việt rà soát, lắp ráp với các tiết mục từ dưới xuôi lên phục vụ cho đêm diễn. Cầm tờ chương trình, Việt liếc mắt qua tên các tiết mục. Bỗng giật mình nhìn dòng chữ: “Bài thánh ca buồn”, người trình bày Thu Dung. Việt nhìn Khởi, giọng run run: “Có phải là… ”. Không chờ Việt nói hết, Khởi gật đầu: “Chính cô ấy”. Thì ra, đây là bí mật mà Khởi muốn giành cho anh. Lòng Việt trào dâng cảm xúc lạ kì. Mấy năm cách biệt, Thu Dung biến mất khỏi đời anh, tưởng chừng không bao giờ gặp nữa. Ngờ đâu, giây phút này đây, người con gái mà anh yêu thương nhất lại ở gần hơn bao giờ hết. Vân ngạc nhiên hỏi Việt: “Chuyện gì vậy anh?”. Khởi chen vào: “Anh ấy gặp người quen”. “Ai vậy?”. “Thu Dung”. Việt hỏi nhanh: “Thu Dung đang ở đâu?”. Vân đáp: “Em vừa từ chỗ cô ấy tới đây. Cô ấy dạy nhạc ở trường dân tộc nội trú. Ra đường lộ, quẹo phải chừng ba trăm mét tới trường”. Việt đi nhanh ra cửa. Vân ngạc nhiên gọi theo: “Chương trình văn nghệ chưa ráp xong mà”. Việt không nghe thấy, cứ cắm cúi bước…
*
Việt vào trường hỏi thăm bác bảo vệ và được hướng dẫn đến phòng khách chờ. Bác bảo vệ ân cần: “Để tôi báo cho cô ấy biết”… Thu Dung vừa bước vào, Việt đứng đậy, lắp bắp: “Thu Dung!…Em!…”. Thu Dung sững sờ, chiếc cặp trên tay lóng ngóng rơi xuống nền nhà. Việt bước tới gần. Thu Dung đưa tay ngăn lại, mặt buồn rười rượi, giọng nghèn nghẹn: “Anh đừng tới gần em!”. Việt tê tái cõi lòng: “Mấy mùa Giáng Sinh rồi, anh đến nhà thờ mà không thấy em. Biết em còn trách giận. Tha lỗi cho anh!”. Thu Dung thổn thức: “Lạy Chúa tôi!”… Bỗng quả quyết: “Anh về đi! Em không còn xứng với anh đâu”. Rồi bật khóc. Nước mắt giàn giụa… Thu Dung bất ngờ chạy lấp vấp ra cổng. Bóng thấp thoáng trên con đường đất đỏ vòng ra mé hông trường. Việt liền đuổi theo. “Thu Dung ơi! Số phận dun rủi mình gặp đây rồi, nhất định không để mất em lần nữa”. Tới một trảng cỏ mềm, Việt nhìn quanh quất. Thu Dung đâu rồi? Bốn bề mênh mông vắng lặng. Những cây cổ thụ đứng sững sững, trầm mặc. Mấy chòm mây trắng lững lờ trên bầu trời xanh lơ. Bên dưới, thảm hoa dã quỳ trải dài theo triền núi xuống tận thung lũng xa. Những đóa hoa phơi phới, đung đưa như múa reo trong nắng. Sắc hoa óng ả nhuốm vàng cả một góc trời chiều bàng bạc sương giăng.