Người anh hùng-CSÁTH GÉZA, NGUUYỄN HỒNG NHUNG chuyển ngữ

Csáth Géza, một trong những nhà văn kỳ lạ, nổi tiếng nhất của Hungary, đồng thời là nhà phê bình âm nhạc xuất sắc, là thày thuốc chuyên về thần kinh và phân tâm học.

Csáth Géza, tên thật là Brenner József, sinh ngày 13 tháng hai năm 1887, trong một gia đình khá giả, mẹ ông mất sớm, cha là luật sư. Quê hương ông Szabadka, nằm giữa trung tâm kinh tế và văn hóa phát triển nhất thời bấy giờ của vùng Délvidék- Hungary (vùng đất này nay thuộc Rumani).

Cha ông, một người sùng bái âm nhạc, muốn con trai mình trở thành nghệ sỹ vĩ cầm. Bản thân Csáth Géza chơi vĩ cầm rất giỏi, nhưng ban đầu, chàng trai trẻ có rất nhiều năng khiếu nghệ thuật này muốn trở thành họa sĩ. Vì những khát vọng sáng tác, Csáth Géza không có đủ thời gian để trau dồi tay nghề, bởi vậy cuối cùng ông cũng chỉ trở thành một họa sỹ trung bình.

Ông bắt đầu sáng tác rất sớm. Năm mười bốn tuổi, ông đã viết phê bình âm nhạc cho tờ báo Tin tức Bácska. Năm 1904, người anh họ của ông, nhà văn Hungary nổi tiếng Kosztolányi Dezsõ, đã giới thiệu ông, như một họa sỹ riêng của tờ báo, với Batits Mihály, một trong những nhân vật hàng đầu của nền văn học Hungary. Những năm học cấp ba tại thành phố quê hương, ông được tiếp xúc với một môi trường tri thức đầy thuận lợi, từ môi trường này, sau này đã sản sinh ra rất nhiều các nhà văn Hungary nổi tiếng khác.

Với khát vọng sáng tác văn học mãnh liệt, ông lên thủ đô Budapest. Truyện ngắn Cái lò sưởi, ông gửi cho nhà văn Brody Sándor, được đăng trên tờ Jövendõ, đã được Brody Sándor nồng nhiệt khen ngợi và cổ vũ. Từ đây ông bắt đầu chính thức sáng tác văn học. Sau 1904, tốt nghiệp xong cấp ba, ông thi vào viện Hàn lâm âm nhạc, nhưng không đỗ. Ông thi vào và theo học tại trường đại học Y khoa Budapest.

Từ 1906 truyện ngắn của Csáth Géza lần lượt đăng trên tạp chí Nhật ký Budapest, và nhiều tờ báo khác. Bên cạnh đó Csáth Géza còn viết nhiều bài phê bình âm nhạc về Bartok Béla và Kodály Zoltán, hai nhạc sĩ bậc thày của âm nhạc Hungary. Sau này, ông viết vở nhạc kịch duy nhất của mình : Janika (1911), và vở kịch Nhà Horváth (1912)

Năm 1908, tập truyện ngắn đầu tiên của ông, có nhan đề : Khu vườn của lão phù thủy ra đời

Năm 1909, Csáth Géza tốt nghiệp trường đại học Y khoa Budapest, và làm việc trong khoa thần kinh học tại Klinika (Bệnh viện thực tập của trường đại học). Dưới tác động của nghề nghiệp, một bác sĩ thần kinh, Csáth Géza đã viết một trong những tác phẩm  giá trị nhất của ông : Nhật ký của một người đàn bà mắc bệnh thần kinh (1913) dựa trên nhật ký của chính mình.

Trong tác phẩm nổi tiếng này, Csáth Géza vẽ chân dung một con bệnh, mắc bệnh hoang tưởng đa nghi, văn phong của ông trong tác phẩm này ảnh hưởng trường phái miêu tả hiện thực tự nhiên chủ nghĩa, cộng với những phân tích phân tâm học sâu sắc. Tác phẩm này cùng truyện ngắn nổi tiếng ”Thuốc phiện” đã được dựng thành phim, và đoạt bốn giải thưởng trong liên hoan phim Hungary lần thứ 38 năm 2007 tại Budapest.

Như nhà văn đã tiên đoán trước số phận của mình, trong truyện ngắn nổi tiếng „Thuốc phiện” năm 1910, Csáth Géza lần đầu tiên đến với thuốc phiện, và cho đến tận lúc mất, ông không bao giờ thoát khỏi bàn tay của nàng tiên nâu.

Năm 1911, tập truyện ngắn ”Giấc mộng ban chiều” ra đời, trong đó, có những truyện ngắn, người ta cho rằng nhà văn đã viết dưới tác dụng của thuốc phiện.

Từ năm 1910 trở đi, Csáth Géza trở thành bác sĩ tại nhiều khu dưỡng bệnh. Trong những năm này các tác phẩm chính của ông lần lượt ra đời. Năm 1913 ông lấy vợ, họ có một con gái. Từ 1914-1917 Csáth Géza, phục vụ trong quân đội, nhưng vì ông thường xuyên dùng thuốc phiện, không làm chủ được sự tỉnh táo của bản thân, nên 1917 ông giải ngũ.

Vì tác dụng của thuốc phiện, Csáth lần lượt rơi vào các cuộc khủng hoảng, cuối cùng ông rơi vào bệnh viện thần kinh. Từ đây, ông trốn về nhà, bắn chết vợ, thử tự tử nhưng không chết. Tháng 11 năm 1919, ông bị bắt, nhưng sau đó đã chết vì dùng thuốc phiện quá liều lượng.

Thiên tài sáng tác của Csáth Geza thể hiện rất rõ trong các tác phẩm: cùng lúc ông vừa chịu ảnh hưởng của âm nhạc, thứ nghệ thuật siêu đẳng mà ông am hiểu, vừa ảnh hưởng chất lãng mạn của chủ nghĩa tượng trưng trong văn học mà ông yêu thích, vừa chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Đác uyn, như một thầy thuốc. Văn phong của Csáth luôn luôn bí ẩn, giàu tình cảm và sâu sắc, những câu văn đầy chất nhạc và hình ảnh tượng trưng, phong phú như cuộc sống. Trong những truyện về quan hệ con người, ông phân tích lý giải tâm lý rất tài tình.

Csáth Geza vĩnh viễn là một trong những hiện tượng văn học độc đáo nhất không chỉ ở Hungary mà còn ở châu Âu nói chung trong nền văn hóa thế kỷ XIX.

Nguyễn Hồng Nhung giới thiệu

 

Người anh hùng

Từ cả bọn đi dự vũ hội- mấy đứa em gái cùng các cô em họ của tôi, và cả bọn con gái khác
tôi quen nữa- cái lũ cùng chung một đặc điểm là đều rất kinh tởm mùi gia cầm từ gấu áo
khoác của tôi khi chúng vừa cười nghi ngờ vừa hít ngửi- tôi nghe chúng bàn tán quá nhiều về
một nhân vật nam tước, một sĩ quan kỵ binh, một thanh niên khiêu vũ rất giỏi.
Sau những đêm vũ hội, nếu bọn con gái này tụ họp thì thào trong căn phòng nhỏ, những câu
nói như sau vẳng đến tai tôi liên tục:
– Nam tước.
– Ừ đúng rồi, nam tước! nam tước….
Một gã luôn mất ngủ, khuôn mặt tái nhợt xuất hiện giữa lũ con gái rối bù trong ánh hoàng hôn
biếng lười như thể một bóng ma ảo ảnh khêu gợi bay lượn. Chàng làm lũ con gái phát rồ.
Chúng ngợi ca điệu nhảy của chàng, thân hình của chàng, đường kẻ xanh trên cái áo đồng
phục của chàng mà một lần- dù chỉ một khoảnh khắc để cảm nhận nó mới nhẵn mịn làm sao-
cô em họ tóc vàng trẻ nhất của tôi, nàng Judit, đã ngả đầu lên đấy. Irén, cô của Judit vừa kể
cho tôi nghe hôm qua xong, khi- như cô nói „đằng nào cũng thế”.
Quả thật, khi lần đầu tiên người ta chỉ chàng nam tước cho tôi, tôi đã biết ngay đây không
phải một mẫu sĩ quan „người hùng” thông thường trong một vũ hội. Chàng nện gót trên

đường nhựa trong đôi giày đánh bóng loáng tuyệt mỹ đến nỗi nếu ai hiểu, mắt và miệng họ sẽ
há hốc, bởi không thể nghĩ ra ngay lập tức một khả năng giải phẫu nào đỉnh hơn cho dáng đi
nhẹ nhõm và khiêu sa nhường ấy. Một cái mũi trên khuôn mặt nhỏ tái nhợt, thứ duy nhất của
chàng không thể trộn lẫn vào đâu, nhưng đôi mắt xám lại bình thường không có gì đặc sắc,
khuôn mặt chàng cạo nhẵn nhụi, đôi môi mỏng trễ nải trĩu xuống ( một chút thôi, rất nhẹ, háo
hức bướng bỉnh). Tóc vàng sẫm rẽ sang một bên.
Tôi chăm chú ngắm chàng sĩ quan. Khi chàng lướt qua tôi, mùi nước hoa ngập ngụa thoảng
tới. Chàng tẩm một mùi hương đặc biệt lạ lẫm; thoạt tiên tôi cảm thấy một hương thơm tuyệt
vời, chưa bao giờ mũi tôi ngửi thấy- mùi hương loãng dần, sau rồi nhẹ nhõm dần đến mức
không thể đoán ra, như âm thanh xa dần xa dần của một dàn nhạc dây.
Tôi tỏ ra rất thích chàng nam tước, dù- tôi không phủ nhận- lúc đầu tôi rất có ác cảm với
chàng. Tôi đã nghe nhiều lời khen về chàng( điều này bản thân nó cũng không được ưa rồi),
tôi nghe cả những điều nọ – điều kia; ví dụ nam tước không bao giờ quan tâm đến các bà, các
chị mà chỉ chơi với lũ con gái trẻ. Cái bọn xinh đẹp hay thở gấp, váy xống trắng muốt, những
đứa con gái nếu nhìn trả vào đôi mắt xám của chàng bỗng thấy lạnh hết sống lưng và nổi da
gà trên đôi cánh tay để trần đến tận khuỷu.
…..Và tôi đột nhiên biết tại sao chàng bá tước lại dùng nhiều nước hoa đến mức”phi nhân
tính” đến thế. Nhưng điều này tôi chỉ biết khi tất cả chân dung chàng bá tước hiện ra trọn vẹn
và dễ hiểu trước mắt tôi. Con người này muốn sống trọn những ngày cuối cùng của cuộc đời
mình – bởi vì chàng chỉ còn một vài tháng cuối nữa thôi- và chàng bắt đầu thực hiện nó. Một
cách hoàn toàn có ý thức.
Và bởi vì mảnh đời đã trôi qua của chàng là một quá khứ hãi hùng- nên chàng muốn đến gần
lũ con gái hay cười đang còn tò mò về đời sống hơn hết thảy. Chàng không cần bất kỳ điều gì
từ thân thể của họ- bởi trong huyết quản của chàng từ giọt máu thứ ba trở đi đã bắt đầu vơi
cạn- chàng bằng lòng với việc có thể thỏa mãn cho linh hồn mình thêm một chút nào đấy là
đủ.
Ôi, cái cơ thể ốm yếu, sốt bừng bừng và mới mảnh khảnh làm sao. Chàng cần xức nước hoa
để không ai ngửi thấy mùi bệnh tật của nó. Bởi vậy chàng tìm một loại nước hoa thơm ngát
nhất trần gian và nhúng đẫm quần áo mình vào đó. Chàng mặc chiếc quần thụng bó ống. Thời
gian sau này chàng cần độn thêm nhiều bông hơn vào gù vai áo bởi vì chàng gầy tọp hẳn đi.

Buổi dạ hội cuối cùng được tổ chức ở khu nghỉ mát vào ngày thứ bảy đầu tiên của tháng Chín,
tôi cũng tham dự. Có một nguồn tin thông báo rằng chàng bá tước chẳng còn bao nhiêu thời
gian sống nữa, vả lại, từ Judit tôi biết chắc chắn chàng sẽ có mặt ở đó. Chàng đã hứa với
Judit như vậy. Thật là một trang quân tử!
Những chùm đèn xanh viền chiếc cổng trào của khu nhà, nơi các vị khách của khu nghỉ mát
và những người dự dạ hội sẽ ăn tối, trong màn sương mờ ẩm ướt đến sớm của mùa Thu không
khí cũng trở nên xanh sẫm hơn. Những đôi vai để trần trắng muốt của bọn con gái lấp lánh
dưới ánh đèn lạnh, bọn họ ngó nghiêng nhìn vào gian phòng khiêu vũ lớn nơi chan hòa ánh
sáng tưng bừng từ những bóng đèn đỏ rực.
Mọi người dùng bữa tối lặng lẽ không một tiếng động. Những đôi mắt của bọn con trai và lũ
con gái chuyển động, đụng phải nhau không biết mệt mỏi. Judit chờ đợi chàng nam tước, các
chị của nàng, Irén và Gitta cũng thế, dù như thể họ đang đợi những người khác; tôi nhận ra:
tất cả mọi người đều đang cùng nghĩ đến chàng nam tước. Nhưng chẳng ai hé nửa lời. Dàn
nhạc Digan chơi những bản nhạc êm đềm lặng lẽ.
Sau rốt, buổi khiêu vũ bắt đầu, không nhiều hơn mười hai cặp bước ra sàn nhảy, đúng lúc đó
chàng đến. Tôi gần như kêu lên khi nhìn thấy thấp thoáng một tà áo xanh run rẩy ở cuối con
đường ngoài kia. Như thể một ánh sáng ngạc nhiên lấp lánh đang lướt giữa đôi hàng cây màu
nâu sẫm trong bóng tối. Một năng lượng kỳ lạ và một vẻ tươi tỉnh ngự trị trên gương mặt
chàng nam tước – khuôn mặt đẹp trẻ trung- cho dù cả khung người chàng như sụp xuống đầu
gối và trên trán chàng lấp lánh những giọt mồ hôi đổ ra từ cơn sốt.
Hương thơm từ nước hoa của chàng phủ kín gian phòng và gót ủng của chàng quất mạnh
những tiếng gió rít lạnh lẽo của mùa thu khiến ai nấy ngây người ra trong chốc lát. Mặt chàng
cạo nhẵn nhụi và đôi mắt lấp lánh sáng. Từng giọt thuốc Atropine rỏ trong người chàng- có
thể nhận ra dễ dàng. Và tôi cho rằng chàng cũng đã tô son đỏ sẫm đôi môi mỏng của mình.
Tôi nhìn vào phòng khiêu vũ từ cửa sổ nhiều lần. Trong phòng không có bụi và cũng không
hề nghe thấy tiếng ồn ào. Tôi nhìn thấy nam tước khiêu vũ. Chàng lướt vô cùng êm ái, tinh tế,
đẹp tuyệt trần trên sàn nhà bóng loáng, ôm sát vào mình những tấm thân thiếu nữ (tôi không
thể giận chàng vì điều này) và thì thào vào tai họ. Chàng lần lượt nhảy với tất cả các cô gái.
Tôi nhìn thấy đám thiếu nữ lảo đảo vì hương thơm từ nước hoa của chàng, họ nhắm nghiền
đôi mắt như bị say và ngả cổ ra phía sau hết thảy. Chốc chốc chàng nam tước lại khẽ bước ra

ngoài hiên, uống một chút sâm banh, có lúc chàng rẽ ra con đường có hai hàng cây sẫm nâu
in lối và nhìn xuống mặt hồ. Ngay lúc đó, trăng lưỡi liềm mảnh khảnh nhô lên từ hàng lau sậy
màu xanh sẫm bên hồ, chàng nam tước đứng im không động đậy, ngắm. (Con người này sống
những giờ phút cuối cùng của đời mình mới nghệ sĩ làm sao. Chàng thưởng thức mảnh trăng
tháng Chín vừa nhô lên như một thi sĩ khỏe mạnh- dù thần kinh hơi suy nhược tý chút- đang
theo học khoa nhân văn của một trường đại học.)
Khi chàng quay lại với một điếu thuốc lá trên môi, chàng khẽ đọc lẩm bẩm một câu thơ bằng
tiếng Pháp. Nhưng rồi chàng vội vã vứt điếu thuốc đi và quay vào phòng khiêu vũ. Chàng nói
những điều âu yếm với bọn con gái, ôm choàng lấy họ bằng đôi tay mảnh có những ngón tay
trắng muốt và đôi mắt long lanh của chàng nhìn thấu vào trái tim của họ.
Lũ con gái run rẩy và tất cả bọn họ đều mê mẩn sung sướng vuốt ve chàng.
Nửa đêm, sau mỗi điệu nhảy chàng đều ra ngoài uống một chút rượu và mỗi lúc trông chàng
càng trở nên tái nhợt hơn. – Đầu gối chàng bắt đầu không thể dấu diếm sự yếu ớt mỗi lúc
muốn sụp xuống hơn.
Trước mắt tôi nổi bật một cái gì đó thật tuyệt vời, thật anh hùng không thể tin nổi từ chàng
nam tước. Trên khuôn mặt gầy guộc hằn rõ mọi đường nét, ngọn lửa duyên dáng cháy bừng
trong đôi mắt của chàng, và khi chàng cất giọng run rẩy thì thào, đôi môi chàng nở một nụ
cười mới xiêu lòng và ấm áp làm sao…
Tất cả những điều này đều do sự gắng sức trong một ngày của chàng! Không còn nghi ngờ gì
nữa; khi bằng trí thông minh của những kẻ có học và vô sỉ chàng nhìn rõ, với chàng, một nam
tước, một sĩ quan kỵ binh chẳng còn làm gì nổi nữa trong cuộc đời. Thế là sản sinh ra một
nhân vật anh hùng đầy kịch tính từ một chàng nam tước không mặc cả với cõi đời! Đúng thế,
chàng đã nghĩ trước tất cả. Làm thế nào để lại hình ảnh của mình trong những cái đầu xinh
đẹp bé nhỏ của những tấm thân yêu kiều sẽ hóa thành cát bụi sau này đây?
Chàng đã lần lượt dự trù trước từng việc làm một… Chàng sẽ đến vũ hội. Nơi tất cả mọi
người chỉ nhìn thấy mỗi mình chàng, nơi người ta ngây người ra chiêm ngưỡng từng cử động
quý phái của chàng. Nơi con người mỉm cười đần độn cố tự tin trò chuyện, chàng sẽ là một kẻ
tinh tế, điềm tĩnh và nụ cười luôn giữ trên môi. Nơi chỉ toàn những cô gái váy áo kín mít (chỉ
vài nàng hơi hở hang), những nàng con gái buổi chiều còn ngồi nhà là lấy là để những chiếc
áo lót và váy áo dạ hội, những nàng con gái tim đập thình thình mường tượng ra khoảnh khắc

được chàng nam tước lịch sự tóc vàng nói năng dịu dàng ôm xiết lấy tấm thân khỏe mạnh,
trinh trắng trẻ trung của họ.
Đúng thế, chàng sẽ ôm lấy họ bằng một cơ thể đang suy sụp dần, nơi máu chảy trong huyết
quản đang từ từ chậm dần. Chàng sẽ ôm lấy tuổi trẻ tinh khôi tươi tắn của họ bằng những khát
vọng giả dối, tàn tạ còn lại trong tấm thân đang dâng duy nhất một lần cho thần chết đến
gần!…
Nhưng các nàng thiếu nữ hãy đừng mảy may linh cảm rằng có một kẻ bất hạnh đang dìu họ đi
trong những bước nhảy của điệu nhảy thần chết. Chỉ những buổi ban mai sau này khi họ hiểu
ra rằng chàng, một nam tước đẹp và thân ái- kẻ lúc nào cũng tỏa hương thơm, tinh tế, chẳng
bao giờ có hành động bất nhã ( một trang quân tử chính cống!) ngoài một vài cái ôm xiết chặt
từ khuỷu tay run rẩy, vài động tác vuốt ve nhẹ nhàng mà chúng ta không tính…Vâng, đúng
thế, nếu lúc ấy họ nghe thấy rằng chàng nam tước đẹp đẽ và thân thiện ấy đã mất, lúc đó tất cả
các đôi mắt sẽ nhòa lệ, và các nàng thiếu nữ đều sẽ không bao giờ quên người bạn nhảy đẹp
nhất đời của mình- kể cả khi sau này họ trở thành những bà mẹ năm con đi chăng nữa…
Tất cả những điều này chàng nam tước đều nghĩ đến. Không phải tôi bịa ra đâu mà tất cả
những điều này cần phải đúng như thế.
Chàng nhảy với Judit nhiều nhất. Judit là nàng con gái trẻ nhất trong vũ hội. Nàng mười lăm
tuổi, thấp đến trán chàng nam tước. Họ nhảy đẹp tuyệt vời. Judit như nằm gọn trong tay người
thanh niên, mái tóc vàng óng của nàng xõa trên vai chàng. Nam tước nói không ngừng, cho dù
tôi nhìn thấy mỗi thớ thịt chàng đều chuyển động bằng một sự gắng gượng đến khủng khiếp.
Khoảng ba giờ sáng, sương bắt đầu rơi trong màn đêm ẩm ướt, đẫm hơi nước của đêm tháng
Chín. Một vài người chuẩn bị ra ga xe lửa để về, và quả thật họ cũng đã ra đi. Chỉ còn lại
khoảng bốn, năm gia đình. Nhưng dàn nhạc Digan vẫn tiếp tục chơi nhạc. Chàng nam tước
chia cho mỗi nhạc công một số tiền lớn và đề nghị họ kéo những bản nhạc dịu dàng, sâu lắng.
Một cuộc du hành vào cõi chết thật thông thái, đầy chất nghệ sĩ đẹp đẽ!
Tôi nghe kể nhiều về những người nghệ sĩ hấp hối tuyệt trần trên sân khấu: bên cạnh những
kẻ chân chính một số khác lìa cõi đời với nỗi khát sống bất lực, xấu xí nặng nề và khó chịu.
Chàng nam tước thông thái hơn nhiều. Không cần mọi triết lý, một cách bản năng chàng vỡ lẽ
ra cần phải chết như thế nào, cần phải chết đẹp đẽ như thế nào.

Cái chết đẹp không cần học trong trường sĩ quan từ các vị thầy giáo của chàng, trong đó có
một sĩ quan béo và hói một lần đã từng rao giảng:” Cần chết vẻ vang cho tổ quốc như thế
nào?”. Câu hỏi này từng vang lên trong chàng như những ấn tượng âm nhạc thuần túy. Một
khi nào đấy chàng đã đến nhà hát Opera giữa Viên và Pest khá nhiều lần; và không chỉ một
đêm, như một sĩ quan trẻ, chàng mơ được chôn cất như Siegfried! Dàn nhạc một nghìn nhạc
công rống lên thương khóc một người anh hùng mặc áo sắt đặt trên cỗ xe có các chú ngựa
khoác vải tang đen kéo. Những cây nến vàng tỏa khói, đám phụ nữ khóc nức nở và khuôn mặt
chàng nằm trong quan tài đặt cao bình thản ngước thẳng vào bầu trời xanh trong vắt.
Sau rồi chàng muốn ban nhạc chơi một bản dân gian của Chopin nhưng vì chẳng ai trong đám
nhạc công Digan biết nên chàng đành thỏa thuận với bản vanxo cũ rất dễ thương mà từ bé tới
giờ tôi chưa nghe thấy bao giờ. Hai lần chàng ngăn ban nhạc lại để:” chơi khẽ khàng hơn và
chậm rãi hơn một tý đi!”
Chàng lại nhảy với Judit. Họ đi điệu boston. Judit nhảy tuyệt đẹp. Nàng dập dìu những bước
nhẹ nhàng và dâng hiến, khuôn mặt đỏ bừng, mái tóc vàng xõa tung và đôi mắt cụp xuống.
Đám nhạc công Digan thì thầm và khẽ khàng chơi nhạc, khiến một câu thơ của Baudelaire từ
đâu vụt đến óc tôi:
„ Nức nở trái tim vỡ, như một tiếng vĩ cầm”
Rồi tôi nhìn thấy chàng nam tước cúi gập mình trước Judit. Chàng vội vã bước ra ngoài.
Chàng nâng lên môi uống cạn một cóc sâm banh bên cạnh bàn. Khuôn mặt chàng trắng bệch
như màu bức tường. Chàng chống tay lên trán và cố gắng mỉm cười.- Chàng lục túi áo tìm
thuốc lá, nhưng tay chàng bỗng rời ra, buông lỏng, rồi cái đầu chàng bỗng rơi khỏi bàn tay
chống khuỷu lên bàn. Chàng ngã nhào xuống đất.
Tôi lao đến và mở khuy áo cho chàng. Tim chàng đã ngừng đập. Vì sự gắng sức khủng khiếp
để điều khiến các thớ thịt, trong nháy mắt thân thể chàng đơ cứng. Chúng tôi đỡ lấy chàng:
bằng một chiếc khăn trải bàn tôi buộc cằm, bằng một cái khác tôi phủ mắt chàng. Sở dĩ tôi
làm thế vì tôi biết chàng nam tước cũng lãng mạn như tất cả chúng ta: tất cả chúng ta đều
mong được vuốt mắt và phủ cằm.
Trong phòng khiêu vũ, ban nhạc Di gan vẫn tiếp tục chơi nhạc. Tôi nhắn họ là cứ chơi tiếp đi;
đấy là nguyện vọng cuối cùng của nam tước. Tất cả bọn con gái dồn vào một góc phòng, mắt
đỏ hoe nhìn nhau rồi từ từ, không dấu diếm, cả bọn bắt đầu bật khóc.

Ngoài kia, trên mặt hồ hơi nước mùa thu ẩm màu xanh sẫm loang đặc. Ánh chập choạng sáng
lạnh lẽo phủ lấy con đường in hai hàng cây. Hàng cây bắt đầu run rẩy, khi chúng tôi đưa
chàng nam tước đến đồn cảnh sát. Từ cuối hàng cây tôi sững sờ ngoái nhìn lại.
Trong căn phòng khiêu vũ, như những đôi mắt đỏ hoe vì khóc, những ngọn đèn đỏ nhấp nháy,
nhạc vẫn vang lên dịu dàng buồn bã, và các nàng con gái váy áo trắng muốt ngây ra bên cửa
sổ mắt đẫm lệ nhìn theo mãi chúng tôi.

NGUYỄN HỒNG NHUNGdịch từ nguyên tác tiếng Hung ga ry

Please follow and like us: