Vượt thoát muôn trùng-HỒ AN THẠCH

Miroslava Rakovic/Serbia

[Đọc Gã Thi Sĩ Hoang của Nguyễn Thánh Ngã]

 

Gặp“Gã thi sĩ hoang”, tôi phải từ biệt tôi, mạnh mẽ leo lên đỉnh Langbian mây ngàn giữa mùa chim khướu.

Một mình đọc “gã”…

  Những đám mây phóng khoáng, bàng bạc bay ra từ những trang thơ, mênh mông tan vào vũ trụ. Phải chăng ý tưởng vượt thoát là đây, là bay lên muôn trùng chiều kích?

Gã là ai?

“Tôi – gã thi sĩ hoang

                    Như bông cỏ dại

                    Nở mặt sương mù”

Câu thơ thật lạ!

Gu thẩm mỹ này, một tôi gặm nhấm cùng loài thảo mộc sống trên 2000m, so với mặt nước biển. Tôi chợt ngộ “nở mặt sương mù”, chính là trạng thái vén mê để lộ vầng dương đỏ au bên đầu núi. Những bông cỏ dại sẽ là loài đầu tiên, hân thưởng ánh nắng tinh khiết đó. Nữ thi sĩ Emily Dickinson đã từng viết, đại ý rằng: “Nếu một cuốn sách làm cho tôi cảm thấy giá lạnh, mà không một ngọn lửa nào có thể sưởi ấm, tôi biết đó là thơ. Nếu tôi cảm thấy mình đang cất cánh, tôi cũng biết đó là thơ.”

Vâng, cái “giá lạnh”, và “cất cánh” của nữ thi sĩ người Mỹ, chính là “cái kinh người” bay bổng : “ngữ bất kinh nhân, tử bất hưu” của Đỗ Phủ xưa.

Và chỉ cần có thế, Nguyễn Thánh Ngã đã vượt thoát chính mình làm gã thi sĩ hoang sơ, cũng tức là “trở về với cảm xúc hồn nhiên” nhất trong thế giới thi ca.

Để trong bầu khí quyển trong sáng: “Câu thơ có thể nằm nghiêng trổ một đóa nỗi buồn”!

Ôi! Một thế nằm nghiêng, minh triết và vượt thoát…

Thơ Nguyễn Thánh Ngã ở một giới hạn nào đó, mặc nhiên là những ngược dòng ngạo nghễ, và những khái niệm thiền lặng lẽ vô biên. Đôi lúc, thơ anh du ca trên khắp miền hiện thực của đời sống, làm nên phong vị lãng đãng hơn là những lý lẽ đương nhiên.

Hãy đọc câu thơ :

“khi anh chạy trốn mọi thứ trên đời

                   là lúc anh gặp lại chính mình trọn vẹn nhất”

Tôi chỉ có thể nói theo ý của Voltaire:” Thơ là hùng biện du dương” của thi sĩ, một gã thơ hoang, giữa đồng làng, xó núi phong nhiêu…

 

Viết giữa sương khói BiAn Sơn năm 2016

Please follow and like us: