Ông sinh tại Lvov, Ba Lan, năm 1924, mất năm 1998. Mười lăm tuổi, khi Đức xâm lăng Ba Lan, ông gia nhập đạo quân kháng chiến. Trong 10 năm, sau chiến tranh, khi chế độ Xì Ta Lin Ba Lan kìm kẹp văn chương tới chỉ, ông làm thơ, thứ thơ mà ông nói, “để trong ngăn kéo”. Cuốn đầu tiên của ông, xb năm 1956. Đòn của ông [his tactic], như Brodsky chỉ cho thấy, là giảm nhiệt độ ngôn ngữ tới khi nó cháy đỏ như một mảnh hàng rào sắt, trong mùa đông. Câu thơ của ông thì thanh đạm, mềm mại, sáng sủa, tếu tếu. Tới cái lúc, khi mà tưởng tượng, như ông viết, “như những người khiêng băng ca – trong khi tản thương, [“sơ tán cái con mẹ gì đó”, hà hà] – mất tích trong sương mù”, thì tiếng thơ khi đó, mới đặc dị trong lành, mới bi quan, và mới sắt đá làm sao. Ông còn là 1 sư phụ của thơ xuôi.
từ tanvien.net
Đồ vật
Đồ vật vô tri luôn luôn đúng và, rất tiếc, không thể bị trách cứ về bất cứ điều gì. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một cái ghế chuyển từ chân này sang chân kia, hay một cái giường chổng lên bằng hai chân sau. Và những cái bàn, ngay cả khi chúng mệt mỏi, cũng không dám quỳ. Tôi nghi rằng đồ vật làm vậy với những toan tính giáo dục, để thường xuyên răn đe chúng ta về tính bất định.
Khoảnh khắc trong thư viện
Cô gái tóc vàng cúi xuống đọc một bài thơ. Với cây bút chì nhọn như mũi lao cô đưa những từ ngữ sang một trang giấy trắng và biến chúng thành những nét vẽ, dấu thanh, khoảng dừng. Tiếng than của một nhà thơ tuẫn tiết giờ đây trông như một con thằn lằn bị kiến ăn.
Khi chúng tôi mang anh đi dưới làn đạn súng máy, tôi tin rằng thân thể vẫn còn ấm của anh sẽ được làm sống lại bằng từ ngữ. Giờ đây trong lúc tôi nhìn cái chết của từ ngữ, tôi biết là không có giới hạn nào cho sự tàn hủy. Tất cả những gì còn lại từ chúng tôi trong đất đen sẽ là những âm tiết vương vãi. Những dấu nhấn trên nền hư vô và cát bụi.
Cơn gió và bông hồng
Thuở nọ trong một khoảnh vườn mọc lên một bông hồng. Một cơn gió say đắm nàng. Họ hoàn toàn khác nhau, chàng – nhẹ nhàng và sáng sủa; nàng – cố định và nặng như máu.
Có một người đàn ông đi đôi guốc mộc đến dùng bàn tay thô ngắt bông hồng. Cơn gió nhảy xổ đến phía sau, nhưng người đàn ông đóng sầm cửa vào mặt chàng.
– Ôi chắc ta đến hóa đá mất – kẻ bất hạnh thổn thức – ta đã từng vòng quanh thế giới, ta đã từng đi vắng hàng nhiều năm mỗi lần, nhưng ta biết là nàng luôn ở đó chờ đợi.
Cơn gió hiểu ra, để thật sự đau khổ, người ta phải thủy chung.
Gà mái
Con gà mái là ví dụ tốt nhất cho thấy sống chung thường trực với người sẽ dẫn đến điều gì. Nó mất hẳn vẻ nhẹ nhàng và thanh tao của loài chim. Đuôi nó dựng lên phía trên cái đít lồi giống như một chiếc nón kém thẩm mỹ. Những khoảnh khắc ngất ngây hiếm hoi của nó, khi nó đứng bằng một chân và dán kín cặp mắt tròn của mình lại bằng đôi mí mỏng tanh, thì đáng tởm đến kinh ngạc. Và thêm vào đó, còn cái làm ra vẻ một bài hát nữa chứ, ấy là tràng van vái toạc họng về một vật hài hước không thể tả: một quả trứng tròn, trắng, nhem nhuốc.
Con gà mái làm ta nhớ đến những nhà thơ nào đó.
Hoàng đế
Thuở xưa có một vị hoàng đế. Ông có cặp mắt màu vàng và quai hàm của loài thú săn mồi. Ông sống trong một cung điện đầy những pho tượng và những cảnh sát. Một mình. Ban đêm ông thức giấc và thét lên. Chẳng ai yêu mến ông. Ông thích nhất là săn bắn và khủng bố. Nhưng ông hay tạo dáng để chụp ảnh với trẻ em và hoa. Khi ông chết, không một ai dám gỡ chân dung của ông xuống. Xem lại đi, có lẽ bạn vẫn còn chiếc mặt nạ của ông trong nhà.
[từ tuyển tập Selected Poems (1968, nxb The Ecco Press, Canada)
với các bản dịch Anh ngữ của Czeslaw Milosz và Peter Dale Scott]