Olga Tokarczuk (1962), nhà văn Ba Lan, chủ nhân giải thưởng Nobel Văn học 2018 là một tiếng nói quan trọng nữa của văn chương thế giới hôm nay nói về một thế giới không thể còn như cũ sau đại dịch COVID-19. Có lẽ đó cũng là điều chắc chắn duy nhất chúng ta có thể nói được về biến cố này.
Từ cửa sổ nhà mình, tôi có thể nhìn thấy một cây dâu trắng, thứ cây mà tôi mê đắm – đó là một trong những lý do khiến tôi quyết định chọn nơi này để sống. Cây dâu là một loài cây hào phóng – suốt cả mùa xuân và mùa hạ, nó tặng cho hàng chục gia đình chim chóc những trái cây ngọt ngào và tốt lành. Ngay lúc này, cây dâu vẫn chưa trổ lá trở lại, vì thế, tôi nhìn thấy trước mắt mình một con phố tĩnh lặng, hiếm hoi lắm mới có người trên đường đi đến công viên. Thời tiết ở Wroclaw gần như đang sang hè: mặt trời sáng lóa, bầu trời xanh ngắt, không khí sạch trong. Hôm nay, khi đang dắt chó đi dạo, tôi nhìn thấy hai con ác là đang xua đuổi một con cú khỏi tổ của nó. Chỉ cách đôi ba bước chân, con cú và tôi nhìn chằm chằm vào mắt nhau. Có lẽ các con vật cũng vậy, dường như đang chờ đợi một cách hy vọng, băn khoăn không biết chuyện gì xảy ra tiếp theo.
Đã từ rất lâu rồi, tôi luôn có cảm giác thế giới có quá nhiều thứ. Quá nhiều, quá nhanh, quá ồn. Vì vậy mà tôi không nếm trải cảm giác “chấn thương trong tình trạng cô lập” và với tôi, chẳng có gì khó khăn khi không được thấy con người. Tôi chẳng lấy làm buồn vì rạp chiếu phim không được mở; tôi hoàn toàn thờ ơ với việc các trung tâm mua sắm cũng phải đóng cửa. Tất nhiên, tôi có lo lắng khi nghĩ đến tất cả những người bị mất việc. Nhưng khi tôi nghe tin về tình trạng cách ly vì dịch bệnh đang diễn ra, tôi lại có cảm giác như tìm thấy một sự nhẹ nhõm. Tôi biết nhiều người cũng cảm thấy tương tự, kể cả khi họ đồng thời cũng cảm thấy ngượng ngùng vì điều ấy. Lối sống thu mình lại của tôi, vốn từ lâu bị đè nén và lạm dụng bởi những kẻ hướng ngoại thái quá, giờ đây đã có thể bước ra phòng kín và chải chuốt cho mình.
Tôi quan sát người hàng xóm của mình qua cửa sổ, một luật sư miệt mài, mẫn cán mà mới trước đó thôi, tôi còn thấy anh cắm đầu đi làm vào buổi sáng với tấm áo choàng của luật sư vắt vội qua vai. Giờ thì trong bộ đồ thể thao thùng thình, anh đánh vật với cây chổi trên sân; dường như anh đang cố gắng sắp đặt mọi thứ theo trật tự. Tôi nhìn thấy một đôi trẻ đưa một con chó già mà từ mùa đông trước hầu như không thể lê bước đi dạo ngoài trời. Con chó bước đi nhọc nhằn trong khi đôi bạn thì kiên nhẫn đi cùng với nó, bước đi với tốc độ chậm nhất có thể. Gây ra tiếng ồn lớn là chiếc xe chở rác đang làm công việc của nó.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn, mà còn hơn thế nữa chứ, nhưng với một nhịp điệu hoàn toàn khác. Tôi dọn dẹp phòng riêng của mình, soạn ra những tờ báo mà chúng tôi đã đọc, đặt chúng vào thùng rác. Tôi thay chậu cho những chậu hoa. Tôi nhận lại xe đạp của mình từ tiệm sửa xe nơi tôi đã gửi nó lại. Tôi bắt đầu thích thú việc nấu nướng.
Những hình ảnh thời thơ ấu cứ trở về với tôi. Thời ấy, thật nhiều thời gian và hoàn toàn có thể để “lãng phí” hay “giết” nó, khi ta có thể ngồi hàng giờ đăm đăm nhìn ra cửa sổ, quan sát bầy kiến hay nắm dưới bàn ăn mà tưởng tưởng đó là con thuyền lánh nạn của Noah. Rồi đọc bách khoa toàn thư.
Đó chẳng phải là việc ta được trở lại với nhịp điệu bình thường của đời sống sao? Rằng không phải virus là một sự phá vỡ cái bình thường mà chính xác hơn là ngược lại – cái thế giới náo động trước khi virus xuất hiện mới là bất bình thường?
Sau cùng thì virus nhắc chúng ta về những gì mình đã phủ định nhiệt thành: rằng chúng ta là những tạo vật mong manh, được tạo nên bởi những chất liệu mong manh bậc nhất. Rằng chúng ta sẽ chết – chúng ta là những thân phận tất tử. Rằng chúng ta không tách biệt với phần còn lại của thế giới bởi cái gọi là “nhân tính”của chúng ta, bởi bất kỳ sự biệt lệ nào, mà thế giới, thay vào đó, là một mạng lưới vĩ đại trong đó chúng ta dính líu, kết nối với những tồn tại khác theo những đường dây vô hình của sự liên thuộc và ảnh hưởng lẫn nhau. Rằng bất kể chúng ta đến từ những xử sở cách xa nhau thế nào, ngôn ngữ nào mà chúng ta nói, hay màu da của chúng ta là gì thì chúng ta đều cùng có nguy cơ mắc một thứ bệnh giống nhau, mang những nỗi sợ hãi giống nhau và chết cũng giống nhau.
Nó làm chúng ta nhận ra bất kể chúng ta cảm thấy yếu đuối hay dễ tổn thương như thế nào khi đối mặt với nguy hiểm thì xung quanh ta vẫn còn những người còn dễ bị tổn thương hơn, những người mà sự giúp đỡ của ta là cực kỳ cần thiết đối với họ. Nó nhắc chúng ta rằng cha mẹ, ông bà của mình mong manh như thế nào và họ cần sự chăm sóc của chúng ta đến mức nào. Nó cho chúng ta thấy những phong trào điên rồ của chúng ta đã đẩy thế giới đi đến lụi tàn. Nó khơi dậy câu hỏi mà chúng ta hiếm khi có can đảm để chất vấn chính mình: thực sự thì chúng ta đang kiếm tìm điều gì vậy?
Nỗi sợ bị ốm nhắc chúng ta về những tổ ấm mà ta sinh ra từ đó và cảm thấy an toàn khi ở đó. Trong một tình huống như vậy, ngay cả những lữ khách miệt mài nhất cũng sẽ tha thiết muốn về một nơi gọi là nhà. Đồng thời, những sự thật buồn bã cũng phát lộ trước ta – rằng khi rơi một khoảnh khắc nguy hiểm, ý nghĩ của chúng ta một lần nữa lại phải nương vào những phạm trù mang tính giới hạn và độc quyền: ý niệm về các quốc gia và biên giới. Trong thời điểm khó khăn này, chúng ta đã thấy trên thực tế, ý niệm về một cộng đồng châu Âu thực ra mới yếu làm sao. E.U đã để mất mình trong cuộc chiến đấu này, phó mặc cho các nhà nước quốc gia ra quyết định trong tình thế khủng hoảng. Chủ nghĩa sô vanh cũ đã quay lại, mang theo sự phân chia giữa “chúng ta” và “ngoại quốc” – nói cách khác, nó đem về lại chính những gì chúng ta đã chiến đấu trong suốt ba thập niên qua với hy vọng nó sẽ không bao giờ có thể định dạng đầu óc chúng ta được nữa. Nỗi sợ hãi virus đã làm nảy sinh một niềm tin được “lại giống”, rằng phải có những kẻ ngoại quốc để đổ lỗi, chính những kẻ đó gây ra hiểm họa. Ở châu Âu, virus được xem là “đến từ một nơi nào đó.” Tại Ba Lan, mọi người trở về từ nước ngoài đều bị nghi ngờ. Virus nhắc chúng ta: các biên giới tồn tại và chúng đang làm tốt chức năng của nó.
Tôi cũng sợ rằng thứ virus này sẽ cảnh báo chúng ta về sự thật cũ nữa: rằng chúng ta rất không bình đẳng. Trong khi một vài người có thể bay trên những máy bay riêng đến những ngôi nhà trên đảo hay trong rừng để cách ly, những người khác vẫn phải ở lại thành phố, làm công việc liên quan đến điện nước. Và vẫn có những người phải chấp nhận rủi ro về sức khỏe khi làm việc ở các cửa hàng hay trong các bệnh viện. Một số sẽ kiếm được tiền từ đại dịch trong khi những người khác sẽ mất tất cả những gì mình có. Cuộc khủng hoảng đang đến sẽ làm xói mòn tất cả những nguyên lý mà chúng ta dường như đều cảm thấy đúng đắn, nhiều quốc gia không thể xoay sở nổi và đối mặt với sự suy sụp, những trật tự mới sẽ được dựng lên, như thường thấy sau nhiều cuộc khủng hoảng.
Chúng ta nghĩ rằng mình đang ở nhà, đọc sách, xem ti vi nhưng trên thực tế, chúng ta đang chuẩn bị cho một cuộc chiến với một thực tại mới mà chúng ta thậm chí không thể hình dung nổi, chúng ta đang từ từ hiểu ra mọi thứ không thể còn như cũ. Hoàn cảnh cách ly bắt buộc đòi hỏi chúng ta phải ở yên trong nhà có thể làm chúng ta nhận thức được những gì mà mình không mong phải thừa nhận: rằng gia đình đã vắt kiệt chúng ta, rằng những mối dây ràng buộc hôn nhân của chúng ta từ lâu đã buông chùng. Những đứa trẻ sẽ ra khỏi thời kỳ cách ly trong tình trạng nghiện Internet và nhiều người trong chúng ta sẽ tự ý thức được sự vô nghĩa và vô dụng của những điều kiện mà chúng ta, theo quan tính, gắn mình vào chúng một cách cơ giới. Và sẽ thế nào nếu con số của những vụ giết người, tự tử và những chứng bệnh tinh thần gia tăng?
Trước mắt chúng ta, hệ hình của nền văn minh đã nhào nặn nên chúng ta hơn hai trăm năm qua đang bốc khói, hệ hình đã trao cho chúng ta niềm tin rằng con người là những bậc thầy tạo tác, có thể làm bất cứ thứ gì, và thế giới thuộc về con người. Một thời đại mới đang đến gần.
Nguồn: Olga Tokarczuk, “A New World Through My Window”, bản dịch từ tiếng Ba Lan của Jennifer Croft. https://www.newyorker.com/books/page-turner/a-new-world-through-my-window