Dịch Thuật: Những Mô Hình Mới-NGU YÊN

Mô Hình Thể Loại Văn Bản

(The Text Typological Model.)

 

Gần giống lối phân tích văn bản, mô hình này dựa trên ngôn ngữ văn bản, trong thực tế, mô hình này đại diện cho những phát triển mới nhất. Quan tâm đến việc kết hợp các khái niệm và tận dụng những hiểu biết sâu xa trong các lãnh vực khác, như phân tích diễn ngôn, ngữ dụng, ký hiệu học, ngữ pháp của văn bản, …v…v…

 

Về tính năng đặc biệt của Mô Hình Thể Loại Văn Bản là quan điểm cho rằng văn bản như một đại diện cụ thể của một loại văn bản nhất định. Có cấu trúc đề cập đến sự tổ chức theo thứ bậc: đoạn văn, câu văn, mệnh đề, cụm từ và từ vựng. Theo Beaugrande và Dressler, một loại văn bản là một tập hợp giải nghiệm cho kết quả, dự đoán, và giải quyết những tình huống xảy ra. Nói nôm na, Mô hình thể loại văn bản là những văn bản do hình thức và nội dung mà phân ra thành nhiều thể loại. Việc phân loại này cần thiết, vì mỗi thể loại văn bản có mỗi hoặc vài phương pháp thích hợp, vài chiến lược hữu hiệu để áp dụng khi dịch.

Reiss phân biệt ba loại văn bản:

1- Thông tin: một văn bản có nội dung liên quan đến truyền đạt, thông tri. Ví dụ, báo cáo khoa học, bản tin tức…

2- Ý nghĩa: một văn bản có nội dung liên quan đến nghệ thuật, văn chương, văn học
3- Thực dụng: một văn bản có nội dung liên quan đến thông tin về sự thuyết phục. Ví dụ như bản quảng cáo, bài phát biểu….

Trong khi Egon Werlich trong tác phẩm A Text Grammar of English, năm 1976, phân chia văn bản ra thành năm loại:

1- Mô tả (Description.)
2- Tường thuật (Narration.)
3- Giải thích (Exposition.)
4- Lập luận (Argumentation.)
5- Hướng dẫn (Instruction.)

Năm 1984, giáo sư Basil Hatim đại học Sharjah phân văn bản thành ba loại:

1- Văn bản trình bày, gồm có mô tả, tường thuật và khái niệm.
2- Văn bản luận lý.
3- Văn bản cung cấp kiến thức.

 

Từ khi dịch thuật quan tâm về sư phạm, những trường lớp được mở ra để huấn luyện dịch giả với những lý thuyết khai phá về dịch, từ đó những mô hình được thành hình, cốt để cập nhật hóa những phương pháp và kỹ thuật thực hành. Cuối cùng hết, một bản dịch là kết quả của lao động tinh thần. Những hiệu quả của thực hành sẽ là những tiêu chuẩn để định giá bản dịch và xây dựng những lý thuyết và giả thuyết hữu hiệu hơn. Trong đoạn đường chưa đi đến đích, thực hành, thử nghiệm có lẽ quan trọng hơn những lý thuyết đến từ tư duy, luận lý.

 

Những Mô Hình Sau Thập Niên 1990.

 

Trong nửa thập niên 1990, nghiên cứu về dịch đã đưa ra rất nhiều mô hình dịch hầu cập nhật với phong trào thực dụng của dịch thuật, giúp cho dịch giả có nhiều mấu chốt và phương tiện khoa học, có tiêu chuẩn chứng minh để tiếp cận cách lượng giá công trình dịch. Ngoài ra, còn giúp cho các khuynh hướng phát triển của chương trình dịch điện tử, đang nỗ lực vượt lên cách dịch sát, để hướng về dịch thích hợp, tức là chú trọng đến người đọc bản dịch. Trong tác phẩm Handbook of Translation Studies, volume 1 của Yves Gambier và Luc van Doorslaer, trong bài viết: Cognitive approaches của Fabio Alves và Ampraro Hurtado Albir, đề nghị một số mô hình chính được sử dụng, và vẫn tiếp tục thực tập để thu thập dữ liệu.

 

[CÒN TIẾP]

Please follow and like us: