tranh Marise Maas /Netherlands
trăng dần sáng " cơn mơ hoang nhập vào cơn mơ hoang" ôi! nỗi hoài mong trong
sự sống, những lời, không thốt ra từ khoảng tối, " có cơn mưa đổ ào ạt vào họng
núi lửa " đã gầy trên khuôn mặt của ông lão mặc áo vải " này con, con có nghe lời
ta nói đó không" từ phía trăng ngả qua sông mê, kẻ lữ hành cô độc đáp lại " con
vẫn ở đây, bến đò này, thưa thầy" – " hãy mở cho mình một sinh lộ con nhé, trong
lúc gặp bất trắc, hãy nhớ lời ta dặn, những thứ nước làm rối tâm loạn trí con nên
tránh xa, vì khúc ca bi thiết này mà ta đã trải qua một cuộc trần gian lận đận, kẻ
hiểu ta chỉ có loài chim biết hát và cỏ thảo, ta mang đến đây cho con sự huyền
nhiệm ấy, – này con, những hiểu biết của con bây giờ còn quá mong manh, không
nên nói, không nên chìm đắm quá nhiều vào những việc không liên quan đến con,
nếu có những rác rởi trong lòng, con nên dọn từ đây, quyết không được trể nãi mà
lỡ việc trước mắt, ta đã thấy vẻ đẹp của thế giới ở cách nhìn sự vật bằng một con
mắt trầm tư sâu thẳm, – hãy ở yên đó, nơi những nỗi buồn, âu lo, rồi con sẽ thấy
được điều ta đang thấy" gió thổi qua vùng núi Lũng, thổi qua vùng nước Bạc, thổi
tung mùa bông vải, thổi những ngọn lửa dần sáng người làng đốt rẫy, ôi! có những
giấc mơ kinh hãi, những lời và lời như điềm báo mộng, " đã tạm yên rồi con à, ta
cưỡi nón qua sông mê, còn con quay lại nơi đất cũ, ta chẳng hi vọng con tìm được
điều gì ở đó, nhưng ở đó ta tin con sẽ tìm được lại hình hài của con trong hình ảnh
của núi sông, trời đất đều có sự bao dung, cây cỏ chim thú, con người, ở đây vẫn
còn tấm lòng đó con", " những lời nguyền rủa chẳng khác chi là lời của phù thủy,
nó sẽ ám ảnh vào tâm trí của đồng loại, con không nên làm theo, mà hãy hát lên
khúc ca bi thiết nhất của loài chim trên bầu trời rộng, như những ngọn đồi đứng
trầm lặng giữa trời đất, mà nghìn năm vẫn giữ nét đẹp mặc khải đó, hãy giữ cho
mình hơi thở đó nghe con", nói rồi ông lão mặc áo vải ngửa nón để làm thuyền qua
sông, trời dần sáng, tiếng gà gáy nghe như từ trăm nghìn năm trước ở vùng Óc Eo,
Sa Huỳnh, và màu phù sa từ thời Hùng Vương, từ đôi tay vợ chồng Chử Đồng Tử
và Tiên Dung hãy còn cây gậy thần trong cơn vần vũ của đất trời, ôi! Là cơn vần
vũ của đất trời mở ra một hiện diện mới của đền đài và cứ thế trăm nghìn năm là
cơn vần vũ, đến cánh phượng đỏ rực trên vùng biển mơ hồ như có con chim mùa
hè từ trời cao đáp xuống những tán lá xanh, ôi! tiếng gà đánh thức những giấc mơ
hoang, kẻ lữ hành cô độc thấy trời xanh trở lại, nhưng tiếng ông lão vẫn còn vọng
trong âu lâu tiềm thức của mình, khi trời dần sáng, ông ngửa nón làm thuyền qua
sông,