Nguyên gốc tác phẩm này là của Genro, một Thiền sư thuộc tông Tào động Nhật bản, viết và xuất bản năm 1783. Mỗi câu chuyện là một công án mà tác giả đã có lời bình và kệ đi kèm. Fugai, người thừa kế Genro, thêm nhận xét của sư, câu đối câu, vào sách của thầy. Tôi sẽ dịch các câu chyện hay tắc, gồm cả lời bình của Genro và nhận xét của Fugai trong hầu hết các câu chuyện để tham khảo. Có khi gặp bài kệ cũng dịch để khuyến khích học tập.
Vì nhiều khi lời bình của Genro hay Fugai dẫn các tích xưa, tục cũ không quen thuộc đối với người Tây phương, tôi sẽ giải thích trong các phần bình luận của tôi.
Trừ vài câu chuyện có gốc Ấn độ, thì bối cảnh là Trung hoa trong các thời nhà Đường (620-906) và nhà Tống (930-1278), là thời đại hòang kim của Thiền.
Thiết Địch Đảo Xuy (Tetteki Tosui) là nhan đề của nguyên tác. Thiết Địch có nghĩa là “ống sáo thép”. Ống sáo thường làm bằng trúc có một lỗ để kê miệng thổi và những lỗ khác để các ngón tay sử dụng, nhưng cái ống sáo này làm bằng thép đặc chẳng có lỗ để thổi cũng chẳng có lỗ để bấm nốt. Đảo Xuy có nghĩa là thổi ngược. Nhạc sĩ thông thường lang thang trong hàng ngũ một ban nhạc lớn sẽ không bao giờ có thể sử dụng được nhạc khí Thiền này, nhưng ai biết chơi đàn cầm không dây cũng sẽ chơi được cái ống sáo không lỗ này.
Trăng bồng bềnh trên ngàn thông
Và thềm đêm vắng lạnh
Khi âm xưa trong veo từ các ngón tay anh đến.
Giai điệu cổ luôn khiến người nghe rơi nước mắt,
Nhưng nhạc Thiền ở bên kia tình cảm.
Đừng chơi lại trừ phi có Đại Âm của Lão Tử đi kèm.
Tuyết Đậu (980-1052)
Thiền sư Trung hoa
Lão Tử nói, “Vật dụng lớn muốn làm thành phải mất thời gian lâu. Hình tượng lớn muốn thành không phải chỉ trong vài năm. Âm thanh lớn là âm thanh siêu việt âm thanh bình thường.”*
Bây giờ quí vị biết tại sao cuốn sách này được gọi là “Ống Sáo Thép Đặc Thổi Ngược.” Nó là cuốn sách nói về “Tiếng vỗ một bàn tay.”
Thiên Khi Như Huyễn
LA SƠN KHAI ĐƯỜNG
Mân Vương xây một ngôi chùa cho La Sơn và mời sư nói bài pháp đầu tiên trong pháp đường. Với tư cách là sư của viện, La Sơn lên tòa ngồi nhưng chẳng nói gì trừ hai tiếng “Cáo biệt,” trước khi trở về phòng riêng. Mân Vương tiến đến bên sư, nói, “Ngay cả những gì Phật dạy trên Thứu sơn cũng đến như hòa thượng hôm nay là cùng.” La Sơn đáp, “Tôi đã nghĩ rằng ngài là khách lạ đối với pháp nhưng bây giờ thì hóa ra ngài cũng có biết Thiền.”
Như Huyễn: Hai người này sống ở Trung Hoa vào thế kỷ thứ tám sau Tây lịch, nhưng cả hai sẽ mãi mãi cho thấy cái đẹp của sự bất toàn đối với những ai hiểu sự đánh giá bên trong. Một ngôi chùa Phật giáo luôn luôn có một tượng Phật trên bàn thờ, nhưng một ngôi chùa Thiền đích thực thì chẳng có tượng gì hết. Một vị sư đứng vào chỗ của Phật, dùng bàn thờ làm giảng tòa; ông ta mang chiếc y thừa kế từ hế hệ này đến thế hệ khác, đặt nó lên trước khi nói pháp, và lấy nó xuống ngay sau bài pháp.
La Sơn đã làm như vậy. Nguyên ý Hán văn nói, “Sư lên tòa, mặc y vào, cởi y ra và nói ‘Cáo biệt’. Như vậy, bài pháp của sư đã xong.” Làm hay lắm! Nhưng chớ để các ông tăng ngây thơ của ông bắt chước nhé! Nếu như thế còn tệ hơn là có tượng Phật nữa. Sự đập phá thánh tượng, mà nó bắt đầu như là một phản ứng bị nhốt trong tháp ngà. Đập nát cái tháp ngà ấy đi mới là đập phá thánh tượng thực sự. Nếu Mân Vương thuộc hàng cao nhân trong Thiền, ông ta sẽ không tỏ ra thất vọng vì đã để mất bài pháp của La Sơn, dù ông ta hiểu đúng ý chỉ im lặng của sư. Sự trưởng thành của một thiền viện cũng chậm chạp và vô hình như cây cỏ chung quanh nó. Sư, tăng và đàn-na tín thí chỉ gieo hạt và không bao giờ thấy được sự hoàn thành đầy đủ. Tại sao họ không chỉ vui vẻ hiến dâng ngày hôm nay cho thiền định? Đây là pháp mà La Sơn thừa kế từ Phật truyền xuống qua nhiều thế hệ đệ tử.
Lần đầu tiên khi tôi dời đến căn nhà khiêm tốn này, trong Thiền đường không có ảnh Phật, trong nhà cũng không có bàn ghế gì cả chỉ trừ chiếc ghế để ngồi chơi đàn dương cầm. Tôi chắp hai tay ngồi im lặng trên chiếc ghế này. Đó là bài pháp đầu tiên của tôi trong Thiền đường này, và từ đó tất cả những bài pháp khác chỉ là những lời giải thích mà thôi. Nếu có ai trong quí vị có ý định diễn thuyết hay viết luận giải về Thiền, hãy tự nhắc mình câu chuyện này và hãy sung sướng mà nói, “Cáo biệt” với chính mình.