Nguyễn Chu Nhạc ở Nhà Thờ Đức Bà Paris#
Nguyễn Chu Nhạc, nhà văn, anh đi nhiều, có
thể nói là năm châu bốn biển, Trang Viết Mới
sẽ giới thiệu bạn đọc toàn bộ những bài viết
anh đã thưc hiện trong những chuyến đi ấy
Đền thờ Minh Trị thiên hoàng, điểm du lịch kỳ thú
Nếu đứng trên sân thượng Tòa thị chính Tokyo cao 45 tầng phóng tầm mắt ra bốn phương tám hướng, đều bắt gặp muôn vàn những khối nhà cao thấp thuần như một gam màu lạnh, chen chúc lô xô ken đặc không gian, ta ngỡ Tokyo hiện đại nhưng khô cứng, chán ngắt.Nghĩ vậy là ta đã nhầm. Đường phố Tokyo rợp bóng cây xanh, toàn là phong và liễu, thêm một vài loài cây thân gỗ lá nhỏ đặc trưng vùng ôn đới mà du khách phương xa không biết gọi tên gì… Cứ theo bóng liễu, bóng phong mà đi, du khách len lỏi dưới những khối nhà của cái thành phố gần 13 triệu dân và trải dài hơn trăm cây số này, có thể tìm thấy một rừng cây tuyệt đẹp giữa hai quận Shinjuku và Shibuya ngay trung tâm thành phố. Đó là khu đền thờ Minh Trị thiên hoàng. Người Nhật Bản tôn kính và biết ơn vị vua này, ông lên ngôi năm 1868, người đã khởi xướng phong trào canh tân, với tinh thần tự cường song rất chú trọng việc học hỏi văn minh Âu Mỹ, biến Nhật Bản từ một nước phong kiến lạc hậu thành một quốc gia hùng mạnh. Bởi vậy người dân mới dựng đền thờ xem như một vị thần linh có công với dân tộc. Song khoan nói chuyện đó, ta hãy xem khu đền thờ này như một công trình văn hóa du lịch đặc trưng của Tokyo có sức hấp dẫn du khách cỡ bậc nhất. Nếu đem ví với Văn Miếu-Quốc Tử Giám của Việt Nam thì thật không đúng lắm ( bởi Văn Miếu- Quốc Tử Giám thờ Khổng Tử-ông tổ của Đạo Nho và là trường đại học cổ xưa nhất của VN ), còn đây lại thờ một vị vua khai sáng, song quả thật không có gì để so sánh tương đồng, nên ta cứ tạm coi từa tựa như vậy. Về diện tích thì khu đền này rộng hơn nhiều lần ,có rừng cây rậm rạp nhưng về lịch sử tồn tại chỉ bằng 1/10, nghĩa là gần trăm năm thôi. Điểm chính của công trình văn hóa du lịch này là đền thờ Minh Trị thiên hoàng ở mặt chính và Minh Trị thần cung hội quán ở phía sau. Đền thờ chính được xây cất toàn bằng gỗ bốn mái theo kiến trúc truyền thống của Nhật Bản,và cũng gồm hai phần tiền điện, chính điện Dọc lối vào, du khách bắt gặp từng hàng đèn lồng được xếp cao như bức tường lớn. Đây là những đèn lồng được làm theo kiểu truyền thống do người dân tự nguyện mang đến hiến cầu may, nên trên mỗi chiếc đèn đều có chữ viết, dấu ấn của riêng người hiến. Phần tiền điện cũng thuần bằng gỗ, hai tầng, có cổng rộng đề vào sân chính điện. Qua khoảng sân rộng là bái đường thuộc chính điện với cánh hai cánh cử gỗ dày nặng. Trên những cánh cửa gỗ và cả đôi cột gỗ hàng hiên chi chít những vết hằn. Đây là dấu tích của những đồng tiền xu do người dân ném vào cầu may, mỗi đầu năm mới, khi cổng đền được mở cho người dân vào viếng. Bên trong bái đường, nơi thần dân và du khách bốn phương đến thăm viếng đứng bái vọng, là những chiếc bàn gỗ có hòm phía dưới đựng tiền của người lễ ( kiểu như hòm Công Đức trong các chùa chiền, đền miếu ở ta ). Đáng chú ý và khá lý thú là ở hai bên bái đường, phía trái là nơi để rượu hiến tế của người dân, với hàng ngàn chai rượu dân tộc đặc sản từ nhiều vùng của Nhật Bản được người dân mang đến lễ ; còn bên trái, là nơi treo các thẻ gỗ trên đó viết những điều ước vọng bằng các thứ ngôn ngữ Anh, Nhật Bản, Trung Quốc của các thí sinh cầu may trước mỗi kỳ thi cử ( cứ từa tựa như kiểu thì sinh đến Văn Miếu thắp hương lễ thánh cầu may trước mùa thi ở Việt Nam vậy ). Hôm ngươi viết bài này đến thăm đền là chủ nhật. May mắn là đúng dịp đó có Triển lãm Cúc hoa . Những chậu hoa cúc tuyệt đep, được tuyển lựa từ những người chơi hoa cúc đem đến trưng bày, chẳng hiểu họ có chấm điểm trao giải hay không ? Bên cạnh nhiều loài cúc ta thường thấy ở Việt Nam thì còn có một số loài cúc đặc trưng Nhật Bản, thân bụi hoa nhỏ trông rất lạ mắt được trồng trong chậu cảnh công phu. Cũng hôm ấy, có một đám tế lễ tại đền. Người chủ tế cao niên phục trang theo lối truyền thống màu trắng toát, những người phụ tế cũng vậy, còn lại những người tham gia đoàn tế phần đông đều ăn vận theo lối truyền thống cả. Đoàn tế nghiêm chỉnh tiến vào với dàn nhạc dân tộc phụ họa, nghe na ná nhạc Lưu thủy, Hành vân của ta. Có cảm giác, văn hóa Nhật Bản được biểu hiện trong tôn giáo, tín ngưỡng và cả trong đời sống xã hội có sự hòa nhập của ba yếu tố Nho-Phật- Thần đạo, pha trộn thêm chút tinh thần của võ sĩ đạo ( Samurai ). Ấy cũng làm nên một sắc thái văn hóa đặc trưng, và vì thế càng thêm hấp dẫn về khía cạnh du lịch…
Công viên hành chính Hibiya và khu Hoàng cung
Thủ đô Tokyo có cả thẩy 23 quận, song chỉ có mấy quận thuộc trung tâm là các quận Shinjuku, Tokyo, Shibuya, Ueno, Ikebukuro…Khu trung tâm này ken đầy đặc các tuyến metro ngang độ sâu lòng đất…Nếu xem quận Shinjuku na ná như quận Hoàn Kiếm ( Hà Nội ) bởi đây được coi là trung tâm thương mại sầm uất, thì quận Tokyo lại tương đồng với quận Ba Đình, trước hết vì ở đây tập trung hầu hết trụ sở của Chính phủ, với văn phòng và 12 bộ , cùng Nhà Quốc hội.Khu vực này có mấy tiều khu quan trọng, đó là khu Kashumi Gaxeki – khu hành chính thuộc tiểu khu Chiyoda, Hibiya-công viên cây xanh, khu Akasuku- nơi nhiều quan chức chọn định cư, khu Hoàng cung và Lâu đài công chúa…
Công viên Hibiya nằm giữa khu hành chính bởi bao quanh nó là trụ sở của mấy Bộ ngành, và cả Toà nhà Tam giác trụ sở Quốc hội. Trong lòng đất khu vực này, có đến dăm tuyến metro giao nhau như Oedo line, Mita line, Hibiya line, Chiyoda line, Yurakucho line, Marunouchi line. Công viên không lớn, nằm lọt thỏm giữa những toà nhà cao tầng, song xinh xắn và rất nên thơ. Cổng chính của Tòa nhà số 5, nơi đặt trụ sở của Bộ Y tế-Lao động & Phúc lợi, Bộ Môi trường và một phần của Văn phòng Chính phủ đối diện với một cổng của công viên Hibiya. Giờ nghỉ trưa hôm chúng tôi đến làm việc tại đây, bác sĩ Junichi Inaba- chuyên viên Hợp tác quốc tế của Trung tâm Y tế quốc tế Nhật Bản đưa chúng tôi vào thăm công viên. Công viên lúc này khá đông người, thuần một màu rất ” viên chức “. Anh Inaba giải thích, thường mỗi buổi trưa, công viên này rất đông người đi dạo, phần lớn toàn công chức tranh thủ giờ nghỉ trưa, sau bữa ăn nhanh đồ ăn mang theo hay tại căng-tin công sở. Đi dạo một mình thư giãn, hoặc theo tốp để nói chuyện phiếm và có thể là bàn bạc thêm về một vài vấn đề nào đó. Tôi chợt nghĩ về những bữa trưa tràn đầy không khí nhậu nhẹt của nhiều viên chức xứ mình mà thầm so sánh…Chẳng biết người Tokyo gọi thế nào, song chúng tôi bảo nhau có thể coi công viên Hibiya như một công viên hành chính. Công viên không lớn , rất nhiều cây song lại tạo cho du khách cảm giác thoáng rộng, thoải mái, bởi cấu trúc chia ô, chia khu với vô vàn các lối đi nhỏ dẫn vào các thảm cỏ, lùm cây. Kề bên các lối đi thường là các loài phong, liễu và những loài cây thân thảo, sâu bên trong mới là các loài cây thân gỗ. Đó đây là các hồ nước nhỏ, cầu vòm dẫn vào các đình, tạ được xây cất theo lối truyền thống, khiến người ta dễ liên tưởng đến cảnh quan phim trường Hồng Lâu Mộng của Trung Quốc. Rất nhiều ghế đá và các tảng đá mang các hình thù khác nhau được bố trí rải rác khắp vườn vừa để cho du khách ngồi nghỉ, lại vừa như tạo dáng. Thảm cỏ vườn được trồng tỉa cẩn thận, và hình như còn có một số loài địa lan, gây nên cảm giác thơm tho, sạch sẽ như tranh vẽ. Chốc chốc lại bắt gặp một người cao niên cắm cúi với bảng màu và bút lông trong tay mê mải vẽ. Thời tiết cuối thu se lạnh đã phủ lên khu vườn một màu vàng chanh đó đây nơi các lùm cây…Ngẫm lại thấy tiếc cho những công viên Bách Thảo, Thống Nhất ở xứ mình !…
Ra khỏi công viên Hibiya, lại bách bộ thêm một đoạn đường nữa là khu Lầu công chúa với hồ nước bao quanh với mấy đôi thiên nga trắng toát nhẩn nha gù nhau. Ngang đây là một quảng trường và đại lộ dẫn thẳng đến khu Hoàng cung. Cũng như những hoàng cung, cung điện, thành lầu của nhiều triều đại phong kiến Á Đông, Hoàng cung Nhật bản được cấu trúc với vòng ngoài bảo vệ kiểu tường cao-hào sâu. Một chiếc cầu vòm cuốn cổ dẫn vào cổng chính diện, Du khách chỉ có thể nhìn vọng từ xa vào cổng thành hai tầng màu sẫm thâm nghiêm với đôi vọng gác cùng hai người cận vệ trang phục trắng toát đứng im như tượng, và sâu tít bên trong với nhấp nhô vòm mái, lầu các và cây cối mà thôi. Bên ngoài là lối sỏi rộng rênh, cùng khu rừng thưa kéo dài từ trước khu Lầu công chúa vắt ngang đến tận chân Hoàng cung, trồng thuần một loài thông tán xanh rì. Một hàng những viên sỏi khổng lồ xếp cách đều nhau làm thành chiếc ba-ri-e chắn lối vào phía sau trông khá lạ mắt và gây cảm giác thích thú cho du khách. Thảm cỏ phẳng lỳ, rải rác đó đây có người nằm ngủ ngon lành dưới tán thông. Lác đác các cụ già ăn vận trang phục cổ, dắt chó cảnh dạo chơi trên những lối đi. Xa xa, tháp truyền hình Tokyo in lên bầu trời, như tạo dáng cho khung cảnh nơi đây. Và tất cả làm nên một bầu không khí thanh bình, nhàn nhã…
Không riêng gì du khách từ phương xa tới Tokyo, theo anh Inaba cho biết, thì ngay chính những người dân của Tôkyo, thậm chí những người sống hoặc làm việc hằng ngày quanh khu vực này cũng cảm thấy yêu thích cảnh sắc tuyệt đẹp và thanh nhàn đó !…
[còn tiếp]