Chiều đầy gió ông lại ra ngồi ở cái công viên gần nhà, trên bộ bàn ghế đá. Lòng ông thảnh thơi nhìn ra hàng cây phía xa, chỗ vài người mặc đồng phục xanh đang đưng cắt tỉa chúng. Họ làm việc trong sự im lặng nặng nề, những cử động dứt khoát và dường như là mạnh bạo nữa. Và xung quanh họ cỏ cây ngã rạp xuống, muôn lá cành rơi rụng lả tả. Ông rót một ly trà nóng từ cái bình nhỏ đem theo đang đặt trên bàn, thứ trà lài rẻ tiền tỏa ra một hương thơm nhạt nhẽo. Nhấp một ngụm nhỏ ông thở ra một hơi, gió cuốn những cành cây về phía ông, một bông hoa giấy tim tím bị cắt đôi không thương tiếc; ông nhặt nó lên, ngơ ngẩn nhìn cánh hoa trên những ngón tay lỏng khỏng của mình hết lật qua rồi lại lật lại như thể đó là một vật quan trọng lắm. Cuối cùng ông thả tay ra và cánh hoa bay đi mất, cuốn lên những tán cây trên đầu rồi mất hút trong màu trời của buổi chiều xám xịt.
Ông nhớ đến một buổi chiều như thế này, đã từ rất lâu; ông cũng ngồi trong công viên này với vợ mình. Khi ấy nó rộng lớn hơn bây giờ nhiều, người ta đã cắt xẻ công viên để mở rộng con đường và thêm các hàng quán mới. Ông nhớ hai người đã trò chuyện với nhau rất vui vẻ, khuôn mặt vợ ông trong ký ức như bị nhòe đi, ngay cả giọng nói hay dáng điệu cũng vậy. Tất cả đều là một ấn tượng lẫn lộn, tựa như những cái bóng chồng chất lên nhau đến mức mất cả hình dạng ban đầu.
Điện thoại rung lên trong túi, ông rút ra, cái di động to lớn một cách quá khổ với những con số và nút bẩm khổng lồ thích hợp cho những người già cả. Lại tin nhắn từ tổng đài, cả mấy tháng nay ngày nào cũng vậy, đúng giờ này là lại có tin nhắn từ tổng đài đến. Nội dung lúc nào cũng chỉ có hai chữ.
“Vào đi!”
Ông nhăn mặt xem tin nhắn một hồi lâu rồi chầm chậm lắc đầu đặt điện thoại lên bàn đá.
Ông nhìn bàn cờ vua mình xếp sẵn trên bàn, bộ cờ cũng rẻ tiền như thứ trà ông uống vậy. Những quân cờ bằng nhựa đặt trên các ô vuông đen trắng là một tờ giấy mảnh được dằn bởi hai cục đá xanh nhặt được dưới chân. Ông đã giành trước quân đen cho mình bởi ông thích đi sau hơn và đối thủ của ông hiển nhiên là quân trắng, người đi trước…
Thật khó lòng cho người thích đánh cờ vua như ông trong xứ sở của môn cờ tướng. Đôi khi ông phải dành ra cả ngày chỉ để tìm được một đối thủ, lắm lúc ông ngồi chờ mà chỉ hoài công. Thấy bộ cờ vua là người ta lảng đi, người ở độ tuổi của ông chẳng mấy ai biết chơi thứ cờ này, nó Tây quá, chẳng thích hợp với một lão già; ông thường chơi với những thanh niên đáng tuổi con cháu mình, nhưng đến lượt bọn chúng lại chê ông quá chậm chạp. Dần dần ông chẳng còn ai để đấu cờ cùng, địch thủ đến rồi đi nhưng ít ai ở lại lâu dài.
Trong những trận đấu ở công viên đôi khi ông thắng nhưng thường thì ông thua, thua vì tuổi già hay vì hoa mắt bởi những ô vuông đan xen, bởi các nước đi của con mã hay sự bức phá của con hậu trên bàn cờ. Nhưng với ông thắng thua chỉ là chuyện phụ, chẳng bao giờ ông thét lác trên bàn cờ hay cao hứng cười lớn hoặc nhăn mắt nhíu mày tiếc nuối vì một nước đi, ông chỉ im lặng đôi khi nhấp một ngụm trà từ cái bình luôn mang theo. Với ông quan trọng là được chơi cờ vua, trong cái công viên lộng gió này…
Nhấp thêm một ngụm trà nữa ông thở ra một hơi thậm thượt. Thời gian dần trôi qua và màn đêm nuốt mất buổi chiều dài đằng đẵng.
Ông thu quân, xếp lại bàn cờ và đóng nắp bình trà đã rỗng không của mình rồi đi ra khỏi công viên. Con đường buổi chiều chỉ lơ thơ vài bóng xe qua lại, trong những tòa nhà chung cư ở bên kia đường vài ô cửa sổ đã sáng đèn. Ông băng qua đường với những bước nhỏ và đi vào một con ngõ trải nhựa rộng lớn, mát mẻ. Gió cuộn lên thổi một đám bụi mù vào mắt ông cay xè; ông đi qua một sân bóng đá mini, vài đứa thanh niên đang chơi với nhau, chúng la inh ỏi bằng một thứ ngôn ngữ ông không hiểu được. Ông tránh những gánh hàng rong bày trên vỉa hè, xe hủ tiếu gõ và cả những con người đang đi qua ông. Họ tụ tập thành từng nhóm một; ai cũng có vẻ gì đó vui tươi trên khuôn mặt, mà không, đúng hơn là họ có cái gì đó để mà chờ đợi.
Một thanh niên bịt khẩu trang và đội nón đi ngang qua ông, trên tay anh ta cầm một đống danh thiếp, anh ta dúi vào tay ông một tấm rồi đi thật nhanh mà không nói lời nào.
Ông xem tấm danh thiếp trên tay mình, dòng chữ đen giữa nền trắng.
“Vào đi!”
Đi gần tới nhà ông chợt nhớ ra là mình đã bỏ quên điện thoại ở công viên, hẳn là nó nằm trên cái bàn đá. Đứng lại ông quay nhìn về phía sau, công viên lẩn khuất ở mãi đằng xa ở tận bên kia con đường. Từ đây chỉ thấy được bóng dáng xanh xanh của những cái cây hòa lẫn với sắc xám trắng của xi măng. Lắc đầu ngao ngán ông đi tiếp về nhà mình.
Nhà của ông nằm sau một cái hàng rào thấp, ngôi nhà cũ kỹ hơn phần lớn khu này; nó đã tồn tại gần năm mươi năm, trải qua nhiều lần sửa chữa nhưng vẫn mang dáng dấp xa xưa, lỗi thời chẳng hợp mốt. Điều đó thể hiện qua cánh cổng ra vào, qua nước sơn hay những cánh cửa sổ bằng gỗ và cái khung sắt mỏng manh. Qua dáng vẻ thấp bé của nó so với hai ngôi nhà ở hai bên trái phải, một cái ba tầng một cái thì năm tầng.
Vào nhà cất bộ bàn cờ vào ngăn tủ bên dưới tivi, rửa cái bình đựng trà, cởi áo khoác ra. Ông ngồi ở bếp trên một chiếc ghế bằng nhôm không có tay vịn hay chỗ tựa lưng nhìn ra cái sàn nước chật hẹp với cái tủ chén gần như trống rỗng của mình, nó cũng đã cũ kỹ lắm rồi. Và ông nhìn tiếp, thứ ở cao hơn bức tường sàn nước là bầu trời chạng vạng gần như sụp tối nhưng vẫn còn le lói chút ánh sáng tự nhiên, nó nằm sau một cái khung bằng sắt chụp cái sàn nước lại để bảo vệ ngôi nhà khỏi những kẻ trộm. Nhưng thỉnh thoảng ông nghĩ cái khung sắt kia cũng là để giam giữ chính mình. Qua những mắt lưới ông quan sát các đám mây dày, chúng chồng chất lên nhau xếp thành từng lớp như những đường vân trên vỏ ốc xà cừ. Ông còn thấy cả bức tường của một trung tâm dạy tiếng Anh gần nhà mình, khi đi ở đường lộ mặt trước của nó được ốp đá mới tinh; nhưng từ bếp nhà ông ở mặt sau bức tường lộ ra những mảng ố đen cũ kỹ và bị hàng đống dây leo đeo bám vào. Ông chẳng biết đó là thứ cây gì, chỉ thấy nó như một mảng xanh rờn với vô số cành lá, những chiếc lá xanh mượt hình trái tim rung rinh trong mưa gió. Vào mùa hè thứ dây leo này nở ra một loài hoa nhỏ không hương không sắc
Mỗi lần ngắm bầu trời từ sàn nước và bức tường với mảng dây leo ông lại thấy dễ chịu, nên đôi khi ông ngồi đó rất lâu, đắm chìm vào khung cảnh trước mắt. Và dần dần mọi thứ xung quanh ông hình như cũng biến mất, đầu tiên là tấm lưới sắt với những cái măt cáo của nó, sau đó là cái sàn nước, tiếp đến là bếp, ngôi nhà, cái ghế và cuối cùng ông thấy chính bản thân mình cũng biến mất; chẳng còn lại gì nữa, ngay cả bóng tối.
Đôi khi ông không ngủ được, một chứng bệnh kinh niên của người già; ban ngày thì buồn ngủ còn đêm về lại thao thức trằn trọc. Ông trở dậy khỏi cái giường của mình, nó luôn phát ra âm thanh kẽo kẹt thê lương mỗi khi ông đứng lên hoặc nằm xuống. Mọi cánh cửa trong ngôi nhà này cũng phát ra thứ âm thanh ấy, thứ tiếng kêu của tuổi già, của sự hư hoại và chậm chạp. Mở cửa phòng ra ngoài ông bắt đầu đi lang thang trong ngôi nhà của mình. Chẳng bao giờ ông cần phải bật đèn, vì ông biết mọi thứ nằm ở đâu và những lối đi sẽ dẫn mình đến chốn nào; ông thuộc lòng nơi này như thể nó là một phần nối dài của cơ thể mình vậy. Ngôi nhà mà ông đã dựng lên, đã sinh sống và dường như cũng rất hiển nhiên khi nghĩ rằng bản thân ông cũng sẽ chết tại đây. Cuộc đời như một vòng tròn khép kín, ông đi mãi mà không thể ra bên ngoài đường biên của nó được.
Đáng lẽ ông nên xem tivi khi mất ngủ, lẽ thường là thế, nhưng tivi đã hỏng từ một năm nay và ông cũng chẳng buồn đem đi sửa hay mua cái mới. Vốn dĩ ông cũng ít xem tivi, ông đã không còn hiểu được người ta nói gì trong những chương trình hay các bộ phim hiện nay.
Vậy là ông cứ bước đi, trong bóng tối, trí óc ông toàn những ý nghĩ mù mờ không xác định. Ông ngồi xuống chiếc ghế ở bếp y như hồi chiều, lại nhìn ra ngoài, ánh đèn đường le lói ở phía bên kia bức tường làm nổi bật đường viền của những chiếc lá trong bóng tối. Bầu trời trống rỗng không một vì sao, đêm ở thành phố luôn như thế; ở trên đầu chỉ có một khoảng trống bao la, rộng lớn chẳng biết đâu là bờ bến. Có tiếng nước chảy; từng giọt, từng giọt một rỉ ra một cách đều đặn. Hẳn là từ cái vòi trong nhà tắm, từ một năm nay nó đã bị như thế; đêm nào trước khi đi ngủ ông cũng đặt một cái xô bên dưới để hứng nước đến sáng thì dùng để rửa mặt, đánh răng.
Ông lắng nghe cái âm thanh, tiếng từng giọt nước một rơi xuống, tạo thành một làn sóng nhỏ loang ra mặt xô rồi biến mất. Hình như càng lúc nó càng gấp gáp hơn, như thúc giục một điều gì. Rồi một âm thanh khác xen vào, đó là tiếng của cái đồng hồ treo tường ở phòng khách quà tặng của hội người cao tuổi mấy năm trước. Một cái đồng hồ đơn giản, hình tròn, mặt trắng, kim và những con số màu đen. Hai âm thanh ấy lẫn lộn vào nhau, vừa như tương phản vừa như đang cố hòa trộn lại thành một. Tiếng đồng hồ cũng đang thúc giục.
Ông đứng lên đi ra khỏi bếp, bàn tay lướt trên bề măt của bức tường, trong bóng tối ông cảm nhận từng chỗ lồi lõm một, nơi các mảng sơn rớt ra để lộ lớp vôi như bột lả tả rơi xuống. Từng bước một, ông vừa đi vừa nhắm mắt, chẳng nhanh mà cũng chẳng chậm và rồi bàn tay ông chạm được “nó”. Một cánh của hiện ra trong bóng tối, đúng hơn chỉ có đường nét và chất liệu của nó là “hiện ra” trên đầu ngón tay ông. Cánh cửa ấy đã xuất hiện mấy năm nay, vào những đêm ông đi lang thang quanh nhà trong bóng tối, mỗi khi ông nhắm mắt lại và bắt đầu sờ soạng xung quanh thì nó lại hiện ra. Ông biết cánh cửa mình chạm vào không hề tồn tại trong căn nhà này, dường như nó chỉ hiện hữu trong tâm tưởng ông. Nếu ông mở mắt ra cánh cửa sẽ biến mất và bàn tay ông chỉ đang chạm vào bức tường, nếu ông bật đèn lên cánh của cũng không còn ở đó nữa. Chẳng bao giờ ông thấy được cánh cửa, chỉ biết rằng nó ở đó; trong ngôi nhà của mình và giữa bóng tối nơi đáy mắt.
Cánh cửa không ở một chỗ cố định, có đêm nó ở khoảng giữa của phòng khách và nhà bếp, có đêm nó nằm trong phòng ngủ, bên trái của cái giường, có đêm cánh của nằm gần khung cửa sổ trước nhà. Nhưng ông luôn chạm được vào nó, mỗi đêm đều như thế, cánh cửa như một lời hứa hay một sự chờ đợi nào đó được sắp đặt sẵn dành cho riêng ông.
Bằng những đầu ngón tay của mình ông đã khảo sát toàn bộ cánh cửa, nó chẳng to lớn hơn những cánh cửa thông thường là bao; kích cỡ trung bình, bằng gỗ không có hoa văn trang trí hay chỗ nào gồ ghề. Tay nắm cửa hình tròn đơn giản và khi ông vặn thử thì nó luôn không khóa. Thỉnh thoảng ông mở cánh cửa ra, đẩy nhẹ nó một cái rồi đứng ngập ngừng trước ngưỡng cửa. Không như những cánh của có thật khác trong nhà, cánh của này chẳng hề phát ra cái âm thanh thê lương của thời gian. Nó nhẹ và êm ái tựa như hư không và ở bên kia dường như cũng chẳng có gì khác lạ với bên này, ít nhất đó là điều ông cảm nhận được trong bóng tối khi nhắm mắt lại. Không có mùi hương hay cảm giác khác lạ nào tỏa ra từ bên kia; cũng chẳng có sự đe dọa hay khuyến khích ở nơi ấy. Ông không biết cánh cửa sẽ dẫn mình tới đâu. Có lẽ là một nơi chốn không hề hiện hữu trong cuộc đời này, một căn phòng trống rỗng đang chờ đợi ông bước vào, hay thậm chí là cái chết chực sẵn ở bên kia. Nhưng cũng có thể nó dẫn tới một thứ mơ hồ trừu tượng hơn tất cả những điều ấy, sâu xa và bí ẩn hơn cả cái chết.
Chẳng bao giờ ông bước qua ngưỡng cửa, phần lớn thời gian ông chỉ ngần ngừ chờ đợi một dấu hiệu nào đó; một sự khuyến khích hay lời cảnh báo như người ta vẫn thường có khi đối mặt với một hiện tượng kỳ bí. Nhưng dù chờ bao lâu trong bóng tối thì vẫn chẳng có dấu hiệu nào, chỉ có mỗi ông và cánh cửa bí ẩn.
Rồi ông mở mắt ra, trước mặt ông lại là bức tường như mọi khi, với những mảng bong tróc loang lỗ của thời gian.
Và thế là như mọi khi, ông thở ra một hơi dài thậm thượt rồi trở về phòng lên giường cố gắng ngủ lại.
Buổi sáng hôm ấy, trước khi ra công viên chờ một đối thủ tới thì ông đi ngang qua cây ATM. Đút cái thẻ vào máy, nhập mã số ông rút ra một số tiền trong tài khoản của mình; mỗi tháng đứa con trai duy nhất đều đặn nạp tiền vào tài khoản cho ông. Lúc nào số tiền ấy cũng nhiều hơn so với nhu cầu ông cần tiêu xài; cộng thêm khoảng lương hưu còm cõi của mình thì ông luôn trong tình trạng dư dả và tài khoản ngày một phình to hơn. Nhưng chính ông cũng không biết là mình có bao nhiều. Đôi khi ông nhìn kỹ những con số trên màn hình điện tử, nhìn mãi mà chẳng hiểu nỗi nó là gì; chúng giống như một loại mật mã đối với ông, không như những con số quen thuộc mà ông vẫn thường biết đến. Nhưng vì ông luôn rút một khoảng tiền cố định, theo đúng cách thức mà thằng con trai đã dạy cho mình nên mọi việc vẫn vận hành trơn tru. Khi tiền được nhả ra ông đút chúng vào bóp mà chẳng nhìn lại lấy một lần và cẩn thận cất tấm thẻ vào sâu trong túi quần.
Ông lại ra công viên, buổi sáng ngoài bình trà nóng và bộ cờ vua thì còn thêm một món đồ ăn sáng mà ông mua được dọc đường, hôm nay là bánh mỳ. Ông lại ngồi ở cái bàn đá quen thuộc với bàn cờ được sắp sẵn, chờ đợi một đối thủ đến. Dĩ nhiên cái điện thoại di động của ông đã không còn ở đó, không hiểu sao ông thấy khoan khoái về điều ấy. Gặm một mẩu bánh mỳ ông lại rót trà ra nhấm nhấp, ngắm nhìn tán cây trên đầu, nghe tiếng gió và trông ra mãi đằng xa; Nơi tất cả mọi thứ dường như nhòe đi và hòa lẫn vào nhau thành một sắc độ duy nhất.
Chẳng bao giờ ông ăn hết được một ổ bánh mỳ, nó quá cứng và khô khan so với ông; ăn nửa ổ là ông đã bỏ phần còn lại vào thùng rác. Trước khi vứt đi ông nhìn vào tờ giấy gói bánh mỳ, đó là một trang giấy A4 được cắt ra thành hình chữ nhật, bên trong là dòng chữ khá lớn được đánh máy.
“Vào đi!”
Vò nát tờ giấy ông vứt nó vào thùng rác vừa làm vừa lầm bầm gì đó trong miệng.
Ông chép miệng và nhấp thêm một ngụm trà, trà buổi sáng quá nhạt chẳng ra vị gì; còn trà buổi chiều thì lại quá đậm, đắng và chát ngầm; mà ông cũng không thể mong đợi gì hơn ở thứ trà rẻ tiền này. Và mọi thứ hình như đều không vừa vặn với ông, ông không xoay sở theo chúng kịp, luôn bị bỏ lại bên rìa những vận động của thời gian và không gian. Bỗng nhiên ông thấy tức ngực, ho một tràng ông nhổ xuống đất một bãi nước bọt rồi hít vào một hơi dài sau đó thở ra chậm rãi. Hình như vẫn còn gì đó nghẹn lại nơi lồng ngực, thứ mà có vận hết sức ông cũng không nhổ ra được…
Chờ được một lúc thì một thằng nhóc mười hai mười ba tuổi ngồi xuống đối diện ông, nó nhìn vào bàn cờ rồi đi ngay nước đầu tiên mà chẳng nói tiếng nào.
Ông mừng rơn, thế là bàn cờ được bắt đầu; ông vẫn chậm chạp như mọi khi và thằng nhóc này cũng vậy, có vẻ như nó mới biết chơi cờ bởi nước đi của nó không theo quy củ nào. Thằng nhóc nhăn mặt nhíu mày suy nghĩ có vẻ dữ lắm. Nhìn khuôn mặt của nó bất giác ông mỉm cười, thằng nhóc y hệt như đứa con trai của ông ngày nào. Ông nhớ một bữa nọ nó đem về bộ cờ vua bày ra rồi bắt ông ngồi xuống đối diện với nó. Khi ông nói rằng mình không biết chơi môn này thì thằng con trai ưỡn ngực trả lời một cách dõng dạc.
- Con sẽ dạy cho ba .
Con trai ông khi ấy chỉ mới biết nhận mặt cờ và nước đi của từng quân; nó cũng chỉ dạy cho ông mỗi như thế, hai cha con vừa chơi vừa mày mò từ ngày này qua ngày khác. Ông chơi với con trai chỉ vì nó mong muốn có người chơi với nó, lắm bữa ông còn kiếm cớ thoái thác. Vài tháng trôi qua nó ngày một tiến bộ hơn còn ông thì vẫn dặm chân tại chỗ, một thời gian sau thằng nhóc chán chơi với ông và bộ cờ cũng không được bày ra trong nhà nữa. Nó đi tìm những đối thủ khác xứng tầm với mình hơn ở bên ngoài. Khi ấy ông thở phào nhẹ nhõm như một sự giải thoát và cũng chẳng nghĩ đến cờ vua nữa. Vài năm sau chính con trai ông cũng chán môn này, nó dẹp bộ cờ đi để làm những chuyện khác. Bộ cờ vua bị xếp xó và rồi biến mất trong sự quên lãng của tất cả mọi người…
Ông mới chỉ chơi cờ vua trở lại khoảng hai ba năm nay, ý nghĩ này bất chợt nảy ra trong đầu ông vào một buổi sáng thức dậy. Khi mảnh ký ức xưa cũ ấy tràn về dường như làm rung động một sợi dây xúc cảm nào đó tưởng chừng đã ngủ sâu bên trong ông, thế là ông đi ra nhà sách mua một bộ cờ vua rẻ tiền mang về. Phải mất cả ngày trời ông mới nhớ lại hết từng quân cờ, cách sắp xếp và các nước đi của chúng.
Dù vậy ngay ngày hôm sau ông đã tự tin mang bộ cờ ra công viên chờ đợi đối thủ, ông vẫn chơi y hệt như ngày trước, chẳng có chiến thuật hay tính toán gì; chơi một cách vụng về, bản năng như một đứa trẻ.
Trong khi mãi suy nghĩ về quá khứ thì ván cờ trong hiện tại của ông đã đi đến tàn cuộc và như mọi khi ông lại bị dồn vào thế bí. Ông bỏ cuộc sau hai nước đi tiếp theo, thắng trận thằng nhóc vui mừng ra mặt. Một người đàn bà ở đằng xa cất giọng gọi nó, thằng bé vội chạy về phía ấy, nhảy cẩng lên những bước vui vẻ.
Còn lại một mình ông lại tiếp túc chờ đợi. Mặt Trời càng ngày càng lên cao và nắng tỏa xuống càng ngày càng gay gắt; ông nhìn một đàn kiến đang đi trên mặt đất, chúng như một dòng chảy mang màu cạm sậm. Từng con một nối đuôi nhau dẫn về cái thùng rác, hẳn là bọn kiến đang xẻ nửa ổ bánh mỳ của ông trong ấy; có lẽ chúng hoan hỉ vì chiến lợi phẩm này, cũng có thể đầu óc chúng trống rỗng và chỉ biết thực hiện công việc của mình một cách mù quáng.
Chờ mãi đến trưa ông lại lò dò ra về, bóng ông đổ dài trên mặt đất; hình như chính cái bóng ấy cũng run rẩy giữa không gian, nhỏ bé và lạc lối trong chốn này. Ông băng qua đường và trở về nhà trên một hành trình quen thuộc. Buổi trưa vỉa hè bị một quán cơm bình dân chiếm cứ nên ông đi xuống lòng đường, từng bước một chậm rãi. Ông lau mồ hồi trên trán, thở dốc. Bên kia đường một gã đàn ông mập mạp cởi trần cầm con dao chặt đã dõi theo ông, dưới chân hắn là một đống nước đá đang chặt dở. Có tiếng se sẻ văng vẳng trên những cành cây, cái sân banh mini vắng tanh không một bóng khách, những trái banh nằm im trong khung thành và tưởng chừng như đang chờ đợi một điều gì.
Ông đi qua một cây cột điện, thân có nó dán chi chít đủ thứ tờ rơi khác nhau. Nhưng có một tờ giấy mới nhất với dòng chữ đập thẳng vào mắt ông.
“Vào đi!”
Ông bước qua cây cột điện thật nhanh…
Những ngày tháng cứ tiếp nối như thế, mọi thứ đang suy tàn dần xung quanh ông, một sáng nọ ông thức dậy và thấy người ta đã nhổ đám dây leo đi lúc nào không rõ, bỏ lại một bức tường trống rỗng, xấu xi mang màu thời gian. Những cái cây trong công viên bị đốn dần. Hàng quán lại mọc lên, đường xá lại được mở rộng. Những buổi sáng và chiều bắt đầu trở nên ồn ào và đông đúc hơn. Ông băng qua đường một cách khó khăn, lắm lúc phải gào toáng lên giữa những tiếng còi xe inh ỏi để mong ai đó thấy được mình mà tránh ra hay chậm lại.
Trong sự chờ đợi vô tận của mình, ông vẫn bấu víu vào những thứ quen thuộc; những buổi sáng và chiều, với bộ cờ vua rẻ tiền và cái bình nước trà loại dở. Với tấm thẻ ATM và số tiền cố định mà ông rút ra mỗi tháng. Với khoảng trời chật hẹp trên đầu bị những ngôi nhà và đường dây điện che khuất, cái tivi hỏng nằm ở phòng khách, cái vòi hoa sen bị rỉ nước. Với tất cả những ký ức trong quá khứ, lẫn lộn vào nhau và hòa với thực tại thành một. Và với cả cánh cửa bí ẩn mỗi đêm lại xuất hiện, như thể chờ đợi ông bước vào.
Một buổi chiều, khi ông đang ngồi ở công viên chờ một đối thủ xuất hiện, chẳng bao đã có bao nhiêu buổi chiều như thế trôi qua rồi. Ông không đếm ngày tháng nữa và cái đồng hồ duy nhất trong nhà cũng đã hết pin mấy tháng nay. Tất cả tựa như một chuỗi kéo dài vĩnh viễn, tựa như thế giới xung quanh với ông đã không còn lý do nào để tồn tại nữa ngoài bàn cờ mà ông bày ra mỗi ngày. Công viên chỉ còn duy nhất lại một cái bàn đá và trên đầu ông chỉ còn tán của một cái cây, cái cây to lớn và già nhất công viên. Xung quanh mảnh đất chỉ đủ rộng để làm một căn phòng vệ sinh công cộng ấy là những con đường và hàng quán mới. Nó tựa như một hoang đảo bé nhỏ nổi bồng bềnh giữa biển và nhấp nhô khi những cơn sóng hết ập tới rồi lại dạt ra xa; hoang đảo của riêng ông, thế giới của những ký ức trải dài bất tận. Khi ông đang trong một đoạn hồi tưởng dở dang thì một gã đàn ông ngồi xuống đối diện.
Ông ngẩng mặt lên nhìn hắn, khuôn mặt hắn đầy đặn với đôi mắt rực sáng và một nụ cười luôn nằm trên đôi môi đầy sức sống. Hắn mặc một cái áo sơ mi màu trắng, đóng thùng nhìn rất bảnh bao lịch sự.
- Chào bác!
Hắn đưa tay ra và cả hai nắm lấy tay nhau, bàn tay hắn ấm ấp một cách khác thường và những ngón siết chặt như thể chứa đầy tình thường, cái bắt tay ấy hệt như nụ cười trên môi hắn vậy, rất dễ chịu.
- Cháu đến đây tìm bác là bởi vì cháu quan tâm tới bác.- Giọng hắn nhỏ nhẹ và ngọt ngào.- Bởi bác là một người đáng để quan tâm.
- – Ông bỗng nhiên nổi quạu.- Tôi chỉ là một ông già muốn chơi cờ vua ở cái công viên này thôi!
- Vậy cháu sẽ chơi với bác một ván!- Hắn nói một cách điềm nhiên và đi nước đầu tiên, lên mã.
Dĩ nhiên ông thua một cách chóng vánh, hắn quá mạnh. Ông xếp bộ cờ lại và toan đứng lên bỏ đi.
- Sáng mai cháu sẽ ở đây để chơi tiếp với bác.- Hắn nói với theo.- Từ nay cháu sẽ luôn ở đây để bác có người chơi cùng.
Ông cố đi thật nhanh nhưng tiếng hẳn vẫn văng vẳng ở sau lưng.
Về đến nhà trước khi cất bộ cờ vào tủ ông mở tờ giấy làm bàn cờ của mình ra, mặt sau của nó là một dòng chữ viết tay bằng bút lông xanh.
“Vào đi!” Chữ rõ ràng và ngay ngắn với nhưng nét gãy gọn, không hiểu sao ông biết đó là của gã đàn ông lúc nãy. Hắn đã viết vào lúc ông không để ý.
Đêm đó ông lại mất ngủ, ông đứng lên đi tới bếp, ngồi xuống cái ghế quen thuộc và nhìn ra ngoài. Cái trung tâm tiếng Anh đang bị đập bỏ, nghe nói ở đó người ta sẽ xây lên một nhà hàng hạng sang. Ông nhìn bức tường loang lỗ để lộ ra một mảng trời không màu vô tận.
Chẳng còn gì để mà ngắm nhìn nữa rồi.
Ông nghĩ tới ngày mai mình đi đến công viên và lại gặp gã đàn ông nọ. Bằng cách nào đó ông biết hắn sẽ luôn ở đó chờ đợi mình, với một nụ cười thân thiện và vui vẻ như thế, với giọng nói ngọt ngào và lịch sự.
Rồi ông đứng lên thở dài một hơi, ông bắt đầu bước trong bóng tối. Nhắm mắt ông lướt những ngón tay của mình trên tường và rồi cánh cửa lại hiện ra. Ông nuốt nước bọt, bàn chân run run; ông chực muốn khóc nhưng cũng muốn thét lớn một tiếng đầy hoang hỉ.
Vặn nắm đấm, ông cảm nhận cánh cửa đang mở ra và như mọi khi, nó nhẹ tựa như không có trọng lượng.
Hai bàn tay run run của ông sờ soạng về phía trước nhưng chẳng nắm được gì, ông lần dò từng bước một qua bên kia cánh cửa. Có bàn tay ai đó đóng cánh cửa lại sau lưng, ông biết điều đó, rồi một giọng nói văng vẳng vang lên tưa như tiếng thì thầm.
- Tạm biệt bác!- Giọng nói ấy nhỏ nhẹ, ngọt ngào, lịch sự. Đó là giọng của một người trẻ, đôi mắt sáng sủa với trái tim tràn đầy nhiệt huyết.
Ông mở mắt ra ở phía bên kia cánh cửa và rồi tất cả kết thúc…
Chẳng bao lâu sau công viên cũng biến mất, ở chỗ mà nó từng tồn tại quả thực người ta đã xây lên một cái nhà vệ sinh công cộng. Những người qua đường vào đó tiểu tiện, soi gương và đôi khi là làm những chuyện mờ ám. Cái cây cổ thụ bị đốn mất, thân thể nó được xẻ thành nhiều khúc và không ai biết được là chở đi đâu. Người ta nói rằng những chiếc xe ấy sẽ đi rất xa, qua đến bên kia biên giới và những miếng gỗ sẽ chu du khắp thế giới sau khi được cắt gọt lại. Nhưng làm cách nào biết được đâu là sự thật đâu là dối trá giữa thành phố rộng lớn và phức tạp này? Chẳng ai phân biệt nỗi đâu là sương mù và đâu là khói bụi nữa rồi. Chỉ biết là nó vẫn ở đó, luẩn khuất và che lấp đi tất cả, biến mọi thứ thành một khối mù mờ hỗn độn…
Còn về ông già mỗi buổi sáng chiều từng ra cái công viên giờ đã biến mất, ngồi chờ một đối thủ tới chơi với mình một ván cờ vua. Nếu có ai đó đến hỏi nhưng người sống xung quanh đây thì họ sẽ nói rằng chưa từng có ông già nào như thế cả. Cũng như họ sẽ khẳng định chưa hề có ngôi nhà nào được xây lên ở giữa hai tòa nhà ba tầng và năm tầng trong con hẻm gần đó. Từ trước tới giờ nơi ấy vẫn chỉ là một bãi đất trống, nơi mọc um tùm cỏ dại và quanh năm chìm ngập trong đủ mọi loại rác thải. Một chốn lý tưởng cho bầy mèo hoang đến tụ tập và tru tréo những tiếng thê lương hằng đêm.
Còn câu chuyện bạn đã đọc từ nãy tới giờ chỉ là một huyền thoại được người ta kể cho nhau nghe trong những lúc rãnh rỗi. Kiểu truyền thuyết thành thị vẫn thịnh hành trên mạng, những câu chuyện không có tác giả, không địa danh, không thể kiểm chứng và cũng không hề xảy ra ở bất kỳ thực tại nào!
15/03/2017.
Chiều.
U uẩn…