Nhật ký đọc sách: “Sói thảo nguyên” (Hermann Hesse)-HẢI NGỌC [TRẦN NGỌC HIẾU]

steppenwolf-by-hermann-hesse.jpg

 

 

1. Hermann Hesse là nhà văn đi cùng tuổi mới lớn của tôi, sau khi tôi cảm thấy đã đến lúc mình gác lại thứ văn chương hoa niên, để đi vào một cõi khác của chữ nghĩa: sâu thẳm hơn, mơ hồ hơn, dữ dội hơn, nhưng cũng là nơi từ đó, một nhãn quan mới về đời sống thật sự được mở ra cho tôi.

Năm lớp 11, tôi trải qua một mùa hè ốm dài, phải bỏ dở hàng loạt các course học thêm và những lúc đỡ ốm nhất, tôi chỉ còn có thể đọc sách và viết lách linh tinh để con người thoát khỏi sự trì trệ. “Câu chuyện dòng sông” (Siddharta) là cuốn sách đầu tiên của Hesse mà tôi đọc. Nỗi xúc động mà cuốn sách đem đến cho tôi rất khác với những gì tôi từng đọc ở văn chương tuổi mới lớn: dạt dào, sâu thẳm, khinh khoái. Không phải vô cớ (sau này tôi mới biết), nhiều tiểu thuyết của Hesse khi được dịch ở miền Nam trước 1975 đều được đổi tựa theo lối Việt hóa, bắt đầu bằng từ tuổi trẻ: “Tuổi trẻ cô đơn”, “Tuổi trẻ băn khoăn”, “Tuổi trẻ thần tiên)… Hesse là người nói với tôi: cô đơn, băn khoăn, khủng hoảng, hoang mang … đều là những trải nghiệm mà tuổi trẻ cần đi qua. “Câu chuyện dòng sông” cũng là cuốn tiểu thuyết đầu tiên nói với tôi rằng cuộc hành trình của con người mà văn chương muốn dõi theo nhất chính là hành trình tìm kiếm mình. Không gì nhọc nhằn hơn hành trình ấy, không gì khổ sở hơn hành trình ấy bởi đối diện với nội tâm, nói như chữ của Hesse trong trang cuối “Sói thảo nguyên” là đối diện với một cõi địa ngục tinh thần. Nhưng trải qua kinh nghiệm địa ngục ấy là điều kiện để làm người. Vì thế, cũng không có gì lớn lao hơn hành trình truy vấn chính mình ấy.

Tôi cảm mến Hesse thuở ấy đến độ dò hỏi khắp nơi cuốn tiểu thuyết mà theo lời dẫn của nhà văn Nhật Chiêu, đó là kiệt tác vĩ đại nhất của Hesse – cuốn “Trò chơi hạt thủy tinh”. Sau này mới biết bản dịch tiếng Việt ấy vẫn còn đang ở thời tương lại. Cũng có thể là hữu duyên, khi trên đường nghiên cứu của mình, tôi cũng bị cuốn vào “trò chơi”.

2. “Sói thảo nguyên” là cuốn sách đến đúng lúc với tôi, dù đã từng đọc nó trước đây. Nhưng những ngày này, khi cảm thấy cần phải nhìn lại mình, khi nhận thấy toàn bộ mối liên hệ giữa mình với tha nhân đứt gãy, tôi đọc lại cuốn sách. Nỗi xúc động khi đọc Hesse lại trở lại, như thể trang văn của ông vẫn cứ là người bạn – người bạn còn lại khi mọi người trong thế giới thực tại mất hết kiên nhẫn với tôi – có thể trò chuyện với tôi, có thể rọi sâu vào những mâu thuẫn trong tôi, thúc giục tôi phải dấn tiếp nữa trong hành trình kiểu Dante đi vào cõi địa ngục của nội tâm mình.

“Sói thảo nguyên” là một cuốn tiểu thuyết giàu chất tự thuật của Hesse. Bản dịch của Lê Chu Cầu do Nhã Nam xuất bản có thể nói đã rất cẩn thận khi đưa những chú thích để người đọc nhận ra mối liên hệ giữa thế giới hư cấu của tiểu thuyết với những chi tiết trong tiểu sử của Hesse. Để thấy cuốn sách được viết trong giai đoạn nhà văn phải chịu những bất ổn trong tinh thần như thế nào, đang sống trong một thời đại ngột ngạt thế nào: chiến tranh sắp xảy đến, những cơn lên đồng tập thể đang chực bùng lên, các giá trị tầm thường của đời sống hiện đại lên ngôi, con người hồ nghi niềm tin về cái gọi là tính người trong bản thân, trong nhân loại. “Sói thảo nguyên” là sự dội vang của cả Fauste, cả Dante, cả Lewis Carroll, ta nghe thấy âm nhạc Mozart lẫn những náo động của một lễ hội mang tinh thần dionysian. Nó mang đầy cảm thức của chủ nghĩa hiện đại nơi con người còn lo âu đối mặt với sự khủng hoảng ý nghĩa của thế giới như một bi kịch hiện sinh.

Với cá nhân tôi, Harry Haller – con người tự nhận thấy bản ngã của mình là hợp thể giằng xé giữa phần người và phần sói – chính là mẫu nhân vật chỉ có văn chương mới muốn quan tâm: con người ấy đòi hỏi một điều gì đó ở cuộc sống này, còn hơn cả hạnh phúc, một thứ để anh ta có thể chết cho nó. Văn chương vốn dĩ chẳng phải là tôn giáo nhưng những lời tự thú mà ta nghe được trong văn chương nhiều khi lại thành thật, khẩn thiết hơn cả khi ta đối diện với Thượng đế.

Tôi chẳng biết nói gì hơn về cuốn sách này, ngoài việc chép lại lời mà Hermine nói với Harry trong truyện:

“Đầu óc anh sẵn mang một hình ảnh cuộc đời, một niềm tin, một đòi hỏi; anh từng sẵn sàng hành động, hứng chịu đau khổ và hy sinh, nhưng rồi dần dà nhận thấy rằng thế giới không đòi hỏi ở anh hành động và hy sinh cùng những điều tương tự, rằng cuộc đời không phải thiên anh hùng ca với những vai người hùng và những vai này nọ, mà chỉ là một căn buồng tiện nghi trưởng giả, ở đấy người ta hoàn toàn hài lòng với chuyện ăn uống, cà phê cà pháo, đan vớ, chơi bài tarot và nghe nhạc radio. Còn ai thích lối sống khác, ai mang trong người chí khí anh hùng, yêu cái đẹp, tôn sùng những thi hào hay các bậc thánh thì người ấy là một kẻ dại khờ, một kỵ sĩ kiểu Don Quichotte. Bạn ơi, em cũng thế đấy! Em cũng vốn là một cô gái nhiều năng khiếu, được sinh ra để sống theo một tấm gương cao cả, đặt cho mình những đòi hỏi lớn lao và hoàn thành những nhiệm vụ cao quý. Em có thể chọn cho mình định mệnh to tát, thành vợ một nhà vua, thành người tình của một nhà cách mạng, em gái thiên tài, mẹ một kẻ tuẫn đạo. Nhưng cuộc đời chỉ cho em thành một cô gái điếm thượng lưu với khiếu thẩm mỹ tàm tạm…Em tuyệt vọng mất một lúc và tự trách mình khá lâu. Cuộc đời nhất định phải luôn luôn có lý, em nghĩ thế, thành thử khi cuộc đời nhạo báng những giấc mộng đẹp của em thì bởi vì chúng vớ vẩn và sai lầm… Harry ơi, em thấy rằng những giấc mơ của em là đúng đắn, cũng như những giấc mơ của anh vậy. Còn cuộc đời, thực tại mới nhầm lẫn…

Văn chương, với tôi, có thể thực sự an ủi nhất khi là một phương thức để chất vấn hiện tại, nó nói với tôi, như Hermine nói với Harry, thực tại là nhầm lẫn. Nếu có thể được, xin cứ mơ mộng. Dù kẻ mơ mộng, giữa thực tại này, sẽ luôn bị tổn thương sớm và nhiều. Nhưng lại như Hermine nói, cuộc đời, thực sự, tẻ nhạt nhất khi ta tranh đấu cho điều gì tốt đẹp và lý tưởng với ý nghĩ phải đạt đến nó bằng được: “Lý tưởng là để đạt đến ư? Chẳng lẽ chúng ta, con người, sống để triệt bỏ cái chết? Không, chúng ta sống để hãi sợ nó, nhưng rồi lại yêu nó và chính vì nó mà thỉnh thoảng cuộc đời ngắn ngủi bừng lên được một giờ huy hoàng.”

 

Please follow and like us: