Mai Xuân Thưởng ngồi tư lự trong trại chỉ huy, đầu rối bời bao ý nghĩ. Từ lúc ứng hịch Cần Vương, làm lễ tế cờ tại Lộc Đổng, lãnh ấn Nguyên soái thống lĩnh nghĩa binh đánh Tây, hào kiệt, nghĩa sĩ kéo về đầu quân nườm nượp, cả người Kinh và đồng bào dân tộc ở các buôn làng. Lực lượng ngày thêm lớn mạnh. Rất nhiều việc phải làm. Mai Xuân Thưởng nhận ra chỉ dựa vào lòng nhiệt huyết và cung tên giáo mác không thể đánh đuổi được bọn Phú Lang Sa. Các trận đánh tại Cẩm Vân, Thủ Thiện, Hòn Kho… tuy thắng, nhưng tổn thất không nhỏ. Phải có vũ khí tân tiến. Qua mối lái, các thương khách ra vào cửa biển làng Vạn sẵn sàng cung cấp. Nhưng phải có tiền. Điều này thật nan giải. Tiền ở đâu ra? Sức dân ủng hộ chẳng thấm là bao, chưa đủ cho nghĩa binh đắp đổi qua ngày. Nguyên soái cùng các thủ lĩnh họp bàn hết lần này đến lần khác vẫn chưa có cách giải quyết.
Một nghĩa binh bước vào thưa:
– Bẩm Nguyên soái, Thống binh Hà Biểu xin gặp.
Không chần chừ, Mai Xuân Thưởng nói ngay:
– Mời ông ta vào.
Hà Biểu quê ở làng Hạ, huyện Tuy Viễn, xuất thân trong một danh gia vọng tộc. Xưa cụ Tổ họ Hà theo Nguyễn Nhạc khởi binh dựng nghiệp. Một đời chinh chiến vào sinh ra tử, tận tụy phò tá. Khi Nguyễn Nhạc xưng đế, cụ Tổ được phong chức Tư khấu đô Tổng quản, giúp việc trị an. Hà Biểu là trưởng tôn năm đời của cụ. Chàng không hổ danh là con dòng cháu dõi, oai phong dũng mãnh, ăn ngay nói thẳng. Mai Xuân Thưởng hỏi:
– Kết quả thế nào?
Hà Biểu hớn hở:
– Thưa Nguyên soái, đã có tin vui.
Hà biểu lại gần thì thầm mấy câu, Nguyên soái gật gù:
– Thế à! Ta sẽ đi ngay.
*
Mấy hôm trước, Hà Biểu đến mật báo một chuyện hết sức quan trọng. Đó là tấm bản đồ kho báu của Nguyễn Nhạc. Bí mật này chỉ có trưởng nam dòng đích, lo việc hương hỏa từ đường mới biết. Hồi ấy, Nguyễn Nhạc giao việc nước cho Nguyễn Huệ, lui về thành Hoàng Đế xưng Tây Sơn Vương. Đến triều Cảnh Thịnh, trong Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, mưu hại; ngoài Nguyễn Ánh lăm le tiến đánh. Liệu binh ít thế cô không giữ được cơ nghiệp, nên đã sai quan Tư khấu đô Tổng quản lo việc chuyển phần lớn kho báu về cất giấu ở chốn đại ngàn. Con đường đến kho báu được cụ Tổ ghi tỉ mỉ vào tấm bản đồ dâng cho Vương. Lúc lâm chung, Vương gọi cụ Tổ vào gặp riêng, ủy thác cất giữ tấm bản đồ, phòng sau này con cháu Vương quật khởi cần dùng đến. Tấm bản đồ được truyền lại cho tới đời nội tổ. Mai Xuân Thưởng ngẫm nghĩ: “Thì ra, lâu nay tiếng đồn kho báu của Nguyễn Nhạc là có thật. Triều vua Gia Long, quan quân đào bới cả vùng Tây Sơn Thượng Đạo tìm kiếm không phải là vô cớ”. Mai Xuân Thưởng nhờ Hà Biểu về thưa nội tổ, muốn xin tấm bản đồ kho báu đó. Nội tổ cân nhắc hồi lâu rồi bảo Hà Biểu về doanh trại mời Mai Xuân Thưởng đến gặp.
*
Từ chỗ nội tổ Hà Biểu về, vào đầu giờ Tuất, Mai Xuân Thưởng gọi các thủ lĩnh đến họp. Chờ mọi người đông đủ, Mai Xuân Thưởng cầm cái hộp gỗ mun đã cũ đặt trên bàn, màu xà cừ cẩn trên thân hộp đã mờ đục. Nguyên soái chậm rãi nói:
– Trong hộp này có tấm bản đồ kho báu của Tây Sơn Vương.
Hiệp trấn Nguyễn Trọng Trì hỏi:
– Làm sao Nguyên soái có tấm bản đồ ấy?
Mai Xuân Thưởng kể lại đầu đuôi sự việc rồi nói tiếp:
– Nội tổ thắp hương khấn vái tạ lỗi với tổ tiên, vì họ Hà không làm tròn lời kí thác với Tây Sơn Vương. Bởi dòng dõi Vương đã bị tuyệt diệt. Trao tấm bản đồ cho ta, ông ấy dặn đi dặn lại phải dùng vào việc mua súng đạn đánh bọn Phú Lang Sa như đã hứa.
Tham tán sự vụ, trấn giữ mật khu Linh Đổng Nguyễn Bá Huân lên tiếng:
– Có được tấm bản đồ mới chỉ là bước khởi đầu. Quan trọng hơn là phải tìm cho được kho báu. Nhưng xem ra không phải là nhiệm vụ dễ dàng.
Mai Xuân Thưởng đáp:
– Tham tán nói rất phải. Triều Tây Sơn Vương mất tính ra gần trăm năm, cảnh vật đã nhiều thay đổi. Những gì ghi trong bản đồ liệu còn chính xác không? Muôn ngàn khó khăn phía trước. Nhưng không vì thế mà lùi bước. Phải tận dụng cơ hội này.
Trấn giữ mặt trận Bắc Bình Định, Tổng trấn Tăng Bạt Hổ lên tiếng:
– Nguyên soái đã có tính toán gì chưa?
Mai Xuân Thưởng gật đầu:
– Việc cốt yếu là cử người tin cậy chỉ huy chuyến đi. Theo ta, Phó tướng Trần Khang thích hợp hơn cả. Phó tướng quyền biến, nhanh nhạy, làm việc gì cũng thận trọng. Ý các ông thế nào?
Trần Khang là người cùng làng với Mai Xuân Thưởng. Sinh ra trong cảnh cơ hàn. Không cam chịu phận thấp kém, thua thiệt, Trần Khang gắng sức dùi mài kinh sử chỉ mong đỗ đạt đổi đời. Năm Ất Dậu, kỳ thi Hương đang diễn ra, nghe tin kinh thành thất thủ, Trần Khang bỏ thi về ứng nghĩa Cần Vương dưới cờ Mai Xuân Thưởng. Trần Khang khéo ăn nói, rất được lòng người. Các thủ lĩnh đều nhất trí chọn Trần Khang. Mai Xuân Thưởng sai Thống binh Hà Biểu và Quản trấn Bá Trần trợ giúp. Giao Phó tướng chọn mươi nghĩa binh có sức khỏe, gan dạ đi theo. Dẫn đường là A Linh, dân tộc Ba Na, người rất am hiểu núi rừng.
Trao tấm bản đồ cho Trần Khang, Mai Xuân Thưởng căn dặn:
– Tướng quân về xem kĩ, vạch kế hoạch cho chuyến đi. Thành bại của đại cục trông cậy cả vào tướng quân.
Trần Khang hứa:
– Xin Nguyên soái yên tâm. Trần Khang sẽ không phụ sự tin cậy của Người.
Mai Xuân Thưởng hạ giọng:
– Ta sẽ chọn thời khắc xuất phát.
Hôm sau, A Linh được dẫn vào diện kiến Mai Xuân Thưởng. A Linh vóc dáng nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn. Trước khi gia nhập nghĩa quân, đã nổi tiếng tài săn bắt thú. A Linh luồn lách trong rừng rậm như đi trên đất bằng. Ghềnh thác, vực sâu dù hiểm trở đến đâu cũng có cách vượt qua. Nhiều vùng thâm u trên dãy núi phía tây đã từng in dấu chân của A Linh. Sau vài câu trò chuyện thân tình, Mai Xuân Thưởng hỏi về ngọn Kông Krêy, A Linh tròn cặp mắt màu nâu đồng thốt lên:
– Đỉnh Kông Krêy cao lắm. Mình nghe già làng kể, nhiều thú dữ, có con ma rừng nữa.
Mai Xuân Thưởng hỏi:
– A Linh có dám lên đó không?
A Linh cười hồn hậu:
– Chỉ cần Nguyên soái ưng cái bụng thì mình đi thôi.
– Có A Linh, ta yên tâm được phần nào.
Trần Khang về tới nhà, vợ là Ngọc Như ra đón. Ngọc Như con nhà hào phú, nhan sắc xinh đẹp. Cảm mến nghị lực, khí khái của Trần Khang, ưng thuận về làm vợ. Lấy được Ngọc Như, Trần Khang luôn nuông chiều, yêu thương, trong cuộc sống phu thê, không giấu giếm điều gì. Thấy mặt chồng dàu dàu, Ngọc Như biết có chuyện bất thường. Nàng lo lắng:
– Có chuyện gì vậy chàng?
Trần Khang kể vắn tắt nhiệm vụ được giao. Giọng ngậm ngùi:
– Lần đi này, lành ít dữ nhiều, chưa biết ngày về.
Ngọc Như nói:
– Vì việc nghĩa, chàng phải dấn thân vào nơi lam chướng nghìn trùng. Thiếp không thể để chàng đi một mình. Xin được đi cùng.
Trần Khang khuyên giải: xa xôi cách trở, trèo đèo lội suối bất trắc hiểm nguy, thân gái bội phần bất tiện. Nhưng vẫn không lay chuyển được ý vợ. Tính Ngọc Như vẫn thế, đã quyết thì khó có thể thay đổi. Cực chẳng đã, Trần Khang phải chấp nhận.
Theo lệnh Mai Xuân Thưởng, đầu canh ba hôm đó, mọi người tề tựu đông đủ. Những nghĩa binh được tuyển chọn đều là tay chân của Trần Khang. Ai nấy nai nịt gọn gàng, gươm giắt thắt lưng, vai mang lương thực, vật dụng cần thiết. Trần Khang nói rõ mục đích chuyến đi. Tốp người âm thầm bước. Mất hút trong bóng đêm mịt mù.
*
Chặng thứ nhất bằng phẳng, đi khá suôn sẻ. Theo lệnh Trần Khang, không ai được trò chuyện, tránh xa các làng mạc. Ban đêm, dựng lều bạt nghỉ ngơi dưới tán cây. Sáng hôm sau xóa sạch mọi dấu vết. Trần Khang giữ tấm bản đồ trong người, thỉnh thoảng lại giở ra cùng Hà Biểu, Bá Trần, A Linh bàn bạc, vạch lộ trình tiếp theo. Ngọc Như luôn ở cạnh chồng. Xem ra, sức chịu đựng của nàng không kém các nghĩa binh. Hơn nữa, nàng còn chăm lo bữa ăn uống cho mọi người, tiếng cười nói của nàng làm dịu bầu không khí căng thẳng đi đường.
Tới chặng đường rừng gian nan. Có những đoạn, bụi rậm gai góc chằng chịt, nghĩa binh phải phát dọn cực nhọc. Cả ngày đi chưa được một dặm. Ban đêm, gặp phải mưa rừng. Ai nấy mặc áo mưa bện bằng cỏ tranh, ngồi thu lu dưới tấm bạt, không chợp mắt cho tới sáng. Không ít lần lên đồi xuống dốc, lòng vòng trong rừng cây, hoặc gặp phải đầm lầy không vượt qua được, đành phải tìm lối khác.
Bắt đầu leo núi, hết lớp này tới lớp khác, vô vàn nhọc nhằn, gian khổ. Không biết đã qua bao nhiêu thời khắc. Cuối cùng, ngọn Kông Krêy sừng sững hiện ra. Đỉnh núi ngất ngưởng chọc trời. Trần Khang cho mọi người nghỉ bên bờ suối. Phó tướng gọi Hà Biểu tới một chỗ khuất khẽ bảo:
– Hành tung Bá Trần rất khả nghi, cần phải đề phòng.
Hà Biểu giật mình:
– Có chuyện thế sao?
Trần Khang gật đầu đáp:
– Hắn lén lút ghi chép hành trình của chúng ta. Chắc có mưu đồ gì đây.
Hà Biểu lo lắng vì chàng đề cử Bá Trần với Mai Xuân Thưởng cùng tham gia chuyến đi. Lẽ nào hắn kết giao với chàng nhằm mục đích lợi dụng. Nếu đúng như thế thì tệ hại vô cùng. Hà Biểu tuốt phắt gươm ra:
– Tôi xả xác thằng súc sinh đó ngay lập tức.
Trần Khang ngăn cản:
– Chớ nóng vội. Chưa có chứng cứ rõ ràng, giết chóc sẽ làm rối loạn lòng người. Hắn không thoát được đâu. Giờ ta giao hắn cho ông đấy. Chú ý nhất cử nhất động, không được khinh suất.
Tra gươm vào vỏ, Hà Biểu cung kính:
– Xin vâng lệnh Phó tướng.
Hà Biểu càng thêm khâm phục Trần Khang. Những kí hiệu, hình vẽ chi chít trên tấm bản đồ, chàng thấy mù mờ không sao hiểu nổi. Vậy mà dưới mắt Phó tướng, những hình vẽ, kí hiệu ấy như biết nói, chỉ ra một hướng đi rõ ràng. Trần Khang xem bản đồ, quan sát thực địa, đưa ra những lí giải hết sức thuyết phục. Và thực tế, chàng linh cảm đã sắp đến đích. Hơn nữa, Phó tướng còn quán xuyến chu đáo mọi việc. Hà Biểu nghĩ tới ngày đưa được kho báu về. Nguyên soái và các thủ lĩnh vui mừng biết bao. Nghĩa quân sẽ trút bão lửa vào đầu giặc. Chúng sẽ bạt vía kinh hồn, không còn dám huênh hoang tự đắc nữa. Tây Sơn Vương ở dưới suối vàng chắc cũng hài lòng vì kho báu của người để lại hữu dụng đến thế. Mắt chàng ngân ngấn lệ.
*
A Linh phải trổ hết tài nghệ của một người con của núi rừng đưa mọi người vượt lên đỉnh. Đây mới là thử thách thật sự. Bất trắc rình rập tứ phía. A Linh hướng dẫn từng người cách đu sợi dây rừng cột trên cành cao băng qua khe suối sâu, bên dưới nước chảy xiết sủi bọt trắng xóa giữa những tảng đá lởm chởm. Có đoạn, A Linh đi trước dò dẫm đạp lớp lá khô mục ngập quá bàn chân dưới những thân cây cổ thụ, xua những con rắn độc ẩn mình mắt thường không thể phát hiện. Hoặc đi vào giang sơn một con chúa rừng. Ban đêm, nó đến gần lởn vởn, mùi tanh tưởi nôn lợm, tiếng gầm dài, sắc đến rợn người. A Linh nhặt củi khô, chất thành đống rồi đốt lên. Ngọn lửa tí tách, bùng lên thành quầng sáng chói chang như xé toang đêm đen dầy đặc. Chúa rừng hoảng sợ bỏ đi. Có khi bám vào các khe hở, chân đạp vào các gờ đá cố sức nhô mình trèo lên vách núi cheo leo hiểm trở. Hay cẩn trọng từng bước lên con dốc cao trơn trợt. Đã có người không may trượt chân mất xác dưới vực thẳm hun hút. Có kẻ không quen thủy thổ, bệnh tật, đi đứng không nổi, sức khỏe suy kiệt, gục ngã, đành phải bỏ lại. Tốp người cố sức leo mãi…
Rồi cuối cùng cũng lên tới đỉnh Kông Krêy.
*
Qua mấy ngày lặn lội dò tìm, gần trưa hôm đó, Trần Khang bỗng nhìn chằm chằm về phía trước, chợt reo lên:
– Kia rồi! Ha… ha…
Mọi người ngơ ngác chưa hiểu ý Phó tướng. Trần Khang nói rõ:
– Đích đến là một tảng đá to, trên có hai mỏm. Mỏm bên phải cao hơn mỏm bên trái chừng năm trượng. Chẳng phải nó kia sao?
Ai nấy đều vui mừng. Dưới chân tảng đá có một cái hang thẳng đứng sâu ước mươi trượng. Căn cứ vào chỉ dẫn trên bản đồ, Trần Khang đoán chắc kho báu ở dưới đó. Vách hang phẳng trơn không có chỗ bám, Trần Khang lo lắng hỏi A Linh:
– Làm sao xuống được?
A Linh ngắm nghía một lúc rồi đáp:
– Chỉ còn cách này thôi.
A Linh cắt dây rừng làm một cái thang. Đầu thang neo vào một gốc cây to trên miệng hang. Theo lệnh Trần Khang, A Linh xuống trước. Một đàn dơi từ dưới hang bay chao chát. Một lúc sau, tiếng A Linh vọng lên:
– Mình tới rồi. Mọi người xuống đi thôi.
Lần lượt từng người xuống theo. Bấy giờ nghĩa binh chỉ còn bảy người. Trần Khang sai thắp các bó đuốc gắn vào các khe đá. Một vòm sáng bùng lên. Đáy hang tương đối bằng phẳng. Một tảng đá to ngăn đáy hang làm hai, có lối đi hẹp sát góc. Phần trong tảng đá có một cái ngách. Vòm trần ngách cao khoảng một trượng. Trần Khang bảo A Linh và bốn nghĩa binh cầm đuốc theo mình vào ngách. Hà Biểu, Bá Trần, Ngọc Như và ba nghĩa binh còn lại ở bên ngoài. Trần Khang chăm chú dò xét kĩ các mô đá, bức vách. Ngách không sâu. Tốp người mày mò suốt mấy canh giờ tới cuối ngách. Ai nấy đều mướt mồ hôi. Không thấy kho báu đâu cả. Trần Khang lại tiếp tục dò kiếm… Vẫn vô vọng. Trần Khang băn khoăn, hay là kho báu không có thật? Hoặc có người đến trước lấy đi rồi? Lẽ nào là như thế? Không bỏ cuộc, Trần Khang sai hai nghĩa binh cầm đuốc đi trước soi vào vách. Mình đi sau cách chừng mười bước chăm chú quan sát. Chợt có dấu hiệu lạ. Trên vách có một ô tương đối phẳng. Trần Khang bước tới, rút gươm nạo hết lớp bụi đất bẩn bám dầy trên bề mặt. Lát sau, hiện ra những viên đá xếp ngay ngắn như có bàn tay người sắp đặt. Trần Khang cầm đuốc soi vào vách. Một dòng chữ khắc lờ mờ “Tây Sơn Vương gia bảo”. Trần Khang mừng thầm: “Đây rồi!”. Lập tức sai A Linh và các nghĩa binh đào phá lớp đá xây vách đi. Một khoảng trống đen ngòm lộ ra. Cầm đuốc soi vào thấy mấy cái rương xếp chồng lên nhau. Trần Khang bảo khiêng một cái ra ngoài, cạy nắp. Dưới ánh đuốc, trong rương, lớp lớp vàng thỏi óng ánh. Trần Khang lặng nhìn ngẩn ngơ. Chưa bao giờ thấy vàng nhiều đến vậy. Cầm một thỏi vàng mân mê, mắt say sưa thích thú, lòng lâng lâng một cảm giác lạ lùng. Một nghĩa binh lên tiếng:
– Thưa Phó tướng, phải làm gì nữa đây?
Trần Khang ra lệnh khiêng rương vàng bỏ vào chỗ cũ, ra hiệu các nghĩa binh theo mình ra phần ngoài tảng đá, gọi tất cả tập trung lại. Trần Khang nói:
– Đã tìm thấy kho báu. Nhưng giờ phải tính xong chuyện này đã.
Bỗng trỏ vào Bá Trần quát:
– Bắt nó lại!
Hai nghĩa binh chụp tay Bá Trần bẻ quặt ra sau. Bá Trần gân cổ kêu:
– Tôi tội gì?
– Tội làm gian tế cho bọn Phú Lang Sa. Mày cả gan phỉnh dụ nghĩa binh làm nội ứng. Tưởng tao không biết à?
Biết bị lộ, Bá Trần tái mặt van lạy:
– Xin Phó tướng tha cho một mạng! Tôi nguyện làm thân khuyển mã theo phò tá ngài.
– Tha hả? Mày không đáng sống một khắc nào nữa.
Trần Khang rút gươm đâm xuyên ngực Bá Trần. Hắn gục xuống, nấc lên mấy cái rồi tắt thở. Bất ngờ, Trần Khang chỉ Hà Biểu:
– Trói thằng này nữa.
Hà biểu không kịp trở tay, bị trói gô lại. Chàng kinh ngạc hỏi:
– Có sự hiểu lầm nào chăng?
Trần Khang mỉa mai:
– Hiểu lầm à! Mày tưởng tao cất công khó nhọc lên đây tìm kho báu mang về nộp cho Nguyên soái của mày chắc?
Hà Biểu chợt hiểu. Chàng kêu to:
– Anh em nghĩa binh! Hãy bắt thằng phản bội về cho Nguyên soái trị tội.
Các nghĩa binh vẫn đứng yên bất động. Trần Khang cười ha hả:
– Vô ích thôi! Họ cũng có phần trong kho báu đó.
Hà Biểu mắng:
– Đồ đê tiện! Tao sẽ giết từng đứa một.
Chàng vùng vằng chực thoát khỏi dây trói. Trần Khang gằn giọng:
– Mày không còn cơ hội đó đâu.
Liền vung kiếm chém Hà Biểu một nhát. Chàng khuỵu chân xuống, ngã lăn ra đất. A Linh thất kinh đứng sững như trời trồng. Trần Khang hăm he:
– Còn mày nữa. Có muốn chung số phận với tụi nó không?
A Linh đáp:
– Tao không sợ! Cái bụng mày xấu quá. Giàng sẽ bắt mày đi thôi.
Trần Khang ra lệnh trói A Linh. Một tên thuộc hạ hỏi:
– Có hạ thủ không thưa Phó tướng?
– Nó còn cần cho ta. Để đó tính sau.
Sự việc diễn ra trong chớp mắt khiến Ngọc Như bàng hoàng. Miệng há hốc. Trời ơi! Đây là người chồng nàng kính trọng yêu thương, đầu ấp tay gối sao? Kho báu đã làm Trần Khang tối mắt trở thành kẻ tiểu nhơn hạ đẳng đánh mất thiên lương. Làm sao chung sống với kẻ tham lam, tàn độc đó? Làm sao sống trong sự rẻ khinh nguyền rủa của mọi người? Nỗi tủi hổ, nhục nhã tê đắng dâng trào.
Trần Khang thản nhiên:
– Kho báu đã thuộc về chúng ta. Từ nay, nàng sẽ được sống trong vàng son nhung lụa.
Ngọc Như lạnh lùng:
– Tôi không cần thứ vàng son nhung lụa tanh tưởi đó.
– Kìa, sao nàng nói thế?
Trần Khang biện giải rằng mang kho báu về cho Mai Xuân Thưởng cũng chẳng có tác dụng gì. Người thức thời đều biết không thể chống nổi sức mạnh của bọn Phú Lang Sa. Cuộc chiến đấu tất phải thất bại. Tính mạng khó bảo toàn. Có sống cũng tù tội, lưu đày. Chi bằng nhân cơ hội này chiếm lấy kho báu tận hưởng một đời phú quí. Của sờ sờ ra đó mà không lấy sau này có hối cũng đã muộn.
Trần Khang càng nói, Ngọc Như càng thêm căm uất. Không kìm được, nàng hét lên:
– Đừng nói nữa! Cút khuất mắt tôi!…
*
Hà Biểu tỉnh lại. Đêm đã khuya. Trần Khang, Ngọc Như và đám thuộc hạ ở phía trong. Bên ngoài, bốn bề vắng lặng. Ánh đuốc leo lét chập chờn. Chợt Ngọc Như xuất hiện chỗ lối đi. Nàng bước tới cởi trói cho A Linh. Cả hai đến bên Hà Biểu. A Linh mở trói cho Hà Biểu, đỡ ngồi dậy. Ngọc Như hỏi nhỏ:
– Ông sao rồi? Đi cùng A Linh được không?
Nén đau đớn, Hà Biểu thều thào:
– Tôi không qua… khỏi.
Ngọc Như nghẹn ngào:
– Tôi biết làm gì giúp ông đây.
– Phu nhân… đừng… lo… cho tôi
Hà Biểu xé vạt áo khô, gắng gượng lấy ngón tay chấm máu viết mấy dòng, gấp lại đưa cho A Linh.
– Trao… cho… Nguyên soái…
Đầu ngoẹo sang một bên, Hà Biểu trút hơi thở cuối cùng. A Linh bảo Ngọc Như:
– Phu nhân đi với mình nghen.
Ngọc Như lắc đầu:
– Tôi còn mặt mũi nào mà trở về. Thôi! A Linh đi đi, chậm trễ nguy hiểm đấy.
A Linh ngần ngừ một lúc rồi bước lại chỗ cái thang.
*
Sáng hôm sau, Trần Khang cùng đám thuộc hạ bước ra. Không thấy A Linh. Chỗ treo cái thang trống không. Mặt Trần Khang biến sắc. Làm sao lên khỏi hang đây? Trần Khang lồng lộn thét:
– Đứa nào thả nó?
Đám thuộc hạ sợ hãi run rẩy ngơ ngác nhìn nhau. Ngọc Như dựa vào vách đá, dáng vẻ bơ phờ, khuôn mặt xanh xao. Nàng dửng dưng với mọi thứ đang diễn ra.
Trần Khang trừng trừng nhìn Ngọc Như:
– Là nàng phải không?
Ngọc Như gật đầu. Trần Khang trợn mắt điên dại, môi trên giật giật:
– Hại ta thì phải chết!
Trần Khang đằng đằng sát khí, rút gươm lừ lừ tiến lại, kết liễu Ngọc Như bằng một nhát chí mạng. Đám thuộc hạ hoảng loạn, kêu gào inh ỏi. Những âm thanh kì quái vang ra khỏi miệng hang, lạc lõng giữa mênh mông trùng điệp của núi rừng.
*
Bọn Phú Lang Sa huy động lực lượng lớn, vây ép, tấn công quyết liệt nghĩa binh Mai Xuân Thưởng. Tên thiếu tá De Lorme đem chiến thuyền án ngữ cửa biển Thị Nại. Nghĩa định chiêu thảo xử trí xứ Nguyễn Thân từ Quảng Ngãi đánh vào. Tổng đốc Trần Bá Lộc từ Khánh Hòa đánh ra. Một số thành lũy bị phá vỡ. Cần phải đánh một trận quyết định xoay chuyển tình thế. Các thương lái hối thúc. Tình thế cấp bách. Những người đi tìm kho báu vẫn biền biệt. Mai Xuân Thưởng và các thủ lĩnh mỏi mắt trông chờ.
A Linh trở về. Nằm trên cáng, bốn nghĩa binh khiêng vào. Người suy kiệt, thở thoi thóp. A Linh chỉ còn nói được mấy câu về Bá Trần, cái chết Hà Biểu, chuyện rút thang, trao thư của Hà Biểu cho Nguyên soái rồi bất tỉnh… Mai Xuân Thưởng ngậm ngùi thở dài. Chuyến đi đã thất bại. Mấy hôm sau A Linh mất. Bí mật về kho báu Tây Sơn Vương mãi mãi bị chôn vùi trên đỉnh Kông Krêy.
Đã qua giờ Hợi, Mai Xuân Thưởng ngồi thao thức. Mắt dán vào tấm bản đồ chiến sự trên bàn. Các mũi tiến công của giặc. Việc bố phòng của ta. Làn gió liu riu mát dịu làm cặp mắt muốn ríu lại… Có tiếng kêu thê thiết vọng vào: “Nguyên soái! Nguyên soái ơi!”… “Ai đó?”… “Tôi đây mà, Nguyên soái ơi!”… Không nhầm lẫn được. Hà Biểu! Mai Xuân Thưởng vùng dậy, chạy lấp vấp ra cửa. Ánh trăng hạ tuần chênh chếch vàng vọt, lạnh lẽo. Không gian tĩnh mịch. Chẳng thấy bóng người. “Lại mộng tưởng rồi!”. Lòng buồn rười rượi. Cái chết Hà Biểu trên đỉnh Kông Krêy cứ ám ảnh, day dứt mãi. “Tôi có lỗi với ông, với tộc họ Hà. Mong ông tha thứ!”. Mai Xuân Thưởng lấy lá thư Hà Biểu ra xem. Đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần. “… Không mang được kho báu về, tôi ngàn lần đắc tội…”. Huyết lệ của bậc trung nghĩa thấm trên từng nét chữ. Như máu bao người đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu vì vua báo quốc. Hình ảnh người tráng sĩ kiêu hùng bỗng hiện ra rõ ràng hơn bao giờ hết, như từ đỉnh Kông Krêy trở về, sát cánh cùng các nghĩa sĩ bước vào trận đánh một mất một còn với kẻ thù bằng nỗi căm hờn ngun ngút không nguôi.