Trong thiên ký sự ” Châu Âu du ký ” lần này, tôi dự kiến sẽ chia thành 3 phần : “Trở lại xứ Gà trống Gô-loa”, “Hà Lan ký sự” và “Brussels, trái tim EU”.
1. Le Procope, quán café lâu đời nhất châu Âu
Tôi xin bắt đầu ký sự “ Trở lại xứ Gà trống Gô-loa“ của mình bằng bữa tiệc chiêu đãi chia tay của phía bạn với đoàn cán bộ Việt Nam trong đợt học tập ngắn hạn ( 06.10 – 21.10.2012 ) tại Cộng hòa Pháp, trường L’ ENA ( Trường Hành chính quốc gia Pháp ).
Đơn giản, bởi bữa tiệc chiêu đãi này là hoạt động cuối cùng trước khi lên máy bay về nước của của Đoàn cán bộ Việt Nam sang tham dự khóa đào tạo về “ Cải cách hành chính công “ theo chương trình 165 của ta, tại một quán café-restaurant lâu đời nhất châu Âu. Thêm nữa, với riêng tôi, Le Procope gây ấn tượng mạnh mẽ hơn là những công trình văn hóa-tôn giáo lâu đời và nổi tiếng của Pháp mà ai cũng biết như : Tháp Eiffel, Khải hoàn môn, Bảo tàng Luvre, Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Opera… Tôi xin được nói ngay lý do vì sao Le Procope lại gây ấn tượng mạnh nhất với tôi trong chuyến trở lại nước Pháp, sau 16 năm…
Ấy là, những thông tin sau đây, có thể không mới với nhiều người, song với tôi, nó làm sống dậy cả một thời kỳ lâu dài của lịch sử nước Pháp, góp phần làm thay đổi châu Âu và thế giới :
Le Procope được thành lập từ năm 1686, bởi một người gốc Palermo, Italia có tên là Franceso Procopio Dei Coltelli, tại số 13 Rue de l’Ancienne- Comédie, Paris ( xưa là Rue des Fosses Saint- Germain ). Đây là quán café lâu đời nhất châu Âu, và không chừng, lâu đời nhất thế giới còn tồn tại đến ngày nay cũng nên ( tôi không dám chắc điều này, mặc dù người Pháp vẫn tự hào cho là vậy ).
Nơi đây, từng là chỗ lui tới thường xuyên của nhiều nhân vật lẫy lừng thế giới, đó là, các triết gia, văn sĩ, thi nhân: La Fontaine, Jean-Jacques Rousseau, Voltaire, Victor Hugo, A. Musset, P. Verlaine ,G. Flaubert, O.Balzac, Anatole France …; các nhà hoạt động cách mạng và anh hùng: Robespierre, Danton, Marat và Napoleon Bonaparte… Và người ta cho rằng, tại đây, nhà tư tưởng-nhà văn Diderot đã soạn cuốn “Từ điển bách khoa toàn thư”, chính trị gia Benjamin Franklin đã viết Hiến pháp Hoa Kỳ, còn thi sĩ Paul Verlaine thường nhâm nhi café và trí tưởng bay bổng cùng những vần thơ của tập La Bonne Chanson ( Bài hát hay ), và Napoleon Bonaparte thì đã từng vội vã bỏ quên chiếc mũ đội đầu khi vị anh hùng này mới là viên trung uý pháo binh…
Rồi đó, chiếc phin pha café được ông chủ quán đầu tiên sáng chế ra và áp dụng tại quán này, sau dần lan truyền khắp thế giới đến ngày nay; và nữa, là những kỷ vật, bút tích của những con người lỗi lạc còn được lưu giữ tại đây, ngay cả những khẩu hiệu cho cả loài người, được các vị lãnh tụ cách mạng tư sản Pháp đề xướng là Tự do-Bình đẳng-Bác ái ( Liberté, Egalité, Fraternité )…
Chừng ấy thôi, cũng đủ làm nên một Le Procope lừng danh thế giới. Thử hỏi, được ngồi ăn và nhâm nhi café trong một quán như vậy, làm sao không xúc động cơ chứ !?
Trở lại với bữa tiệc hôm ấy. Sau lễ trao giấy chứng nhận khóa học tại Trường L’ ENA, ông Chủ nhiệm khoa Quan hệ quốc tế của trường cùng các cộng sự cho hay là mời đoàn cán bộ Việt Nam đi dự tiệc bế mạc chia tay tại một nhà hàng nổi tiếng nhất Paris. Nghe vậy, tôi chỉ nghĩ là sẽ đến ăn tại một quán ăn đặt trên tầng chót vót của toà nhà Montparnasse- cao nhất Paris ( như khóa học của Việt Nam ngay trước chúng tôi đã dự ). Trên đường đi, ông Chủ nhiệm khoa tự nhận làm hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ, khi ấy, mới tiết lộ là đang đưa đoàn Việt Nam đến ăn tiệc tại quán Le Procope.
Bữa tiệc ấy, trường L’ENA đã phải đặt chỗ trước cả tuần. Bên ngoài, cùng với biển tên quán, còn có tấm biển đá to hình tròn ghi danh các danh nhân từng là khách hàng của quán trong lịch sử tồn tại 326 năm đến nay của mình. Quán đã đông kín, trừ hai dãy bàn dành cho đoàn cán bộ chúng tôi. Tiệc khai vị bằng món khoai tây chiên và rượu mứt quả truyền thống của nhà hàng. Món ăn chính là sa-lát cá hồi và các sác-đin hầm khoai tây nhắm cùng vang Pháp, bánh mì đen. Bữa tiệc đầm ấm, mọi người rì rầm nói chuyện với nhau, chủ yếu là về văn hóa và ẩm thực của hai nước Việt-Pháp. Tráng miệng bằng nho và tách café Brésil trứ danh của quán. Phía bạn ngỏ ý muốn được thưởng thức dân ca Việt Nam, và đã được đáp ứng bằng mấy bài quan họ qua giọng ca nghiệp dư của hai thành viên trong đoàn vốn gốc Bắc Ninh, Bắc Giang.
Tàn tiệc, tôi còn nấn ná lại phía sau, cùng người phiên dịch tiếng Pháp, ngó nghiêng chụp ảnh một số kỷ vật lưu giữ ở quán.
Chụp pô ảnh kỷ niệm trước cửa quán, rồi chạy gằn cho theo kịp đoàn, tôi thầm nghĩ, một ngày nào đó, sẽ quay trở lại nơi đây…
[còn tiếp]