Sylvia Weinreb Rutkoff (Mỹ, 1919-2011)
ta cố ghìm sự tức giận để thưa, rằng, mình chưa hiểu lời ấy, lập tức ông bắt đầu giảng cho ta nghe, rằng, sau mười lăm năm luân lạc Kiều đã nói với người mình yêu về nghĩa lý của tồn tại, nói bằng thứ âm vang của tồn tại, tiếng đàn là âm vang của tồn tại, đục và trong, trầm và bỗng, trời và vẻ đẹp của muôn sinh, hỗn độn và hài hòa, “mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình”, tồn tại là một cuộc tương tác vĩ đại giữa hỗn độn và hài hòa, nói ghét nhau cũng như nói tương tác, là vẻ non xa với tấm trăng gần trước lầu ngưng bích, mà người đời sau lại đem tất cả những cao sang ấy đặt vào chốn tầm thường, ta thử sờ lên trán mình thì thấy có mồ hôi đang rỉ ra, không phải sợ hãi, mà là một thứ cảm thức kỳ dị đang xâm chiếm toàn bộ đầu óc ta, dường như đêm đã đến, ở trong phòng lúc bấy giờ ta nhìn thấy thứ ánh sáng mịn và đục tựa được chiếu đến từ một thứ vật sáng được bọc bằng vải lụa, có mùi phân bò ở đâu đó hắt vào phòng, và ngoài đường phố có nhiều tiếng cười nói mới thoáng nghe ta đã có cảm tưởng rằng những con người ấy là đến từ những hành tinh xa lạ, tối nay đi ăn phở cổ đại hay ăn cơm tự dưỡng, ông cụ chợt quay sang ông già có vết sẹo ở cổ hỏi, không còn kiềm chế được sự tò mò, ta dừng cuộc chất vấn về truyện Kiều để hỏi thử ông cụ đã chuyển đến cái thành phố có hơi hướng thời hậu tương lai ấy từ bao giờ, sau khi chết gần bốn mươi năm thì đại huynh ta chuyển đến đây, còn ta thì cũng vừa lành lặn thân thể, ông già có vết sẹo ở cổ nói, ta lập tức lướt mắt sang những cuốn sách lạ trên giá sách thử có tìm ra chút manh mối nào về mối quan hệ giữa hai con người có vẻ như đôi bạn tri kỷ, Thiên Thạch Chuyển Lưu, Đá Con Người Và Cuộc Tồn Sinh, rốt cuộc thì tên những cuốn sách chỉ làm ta rối rắm thêm, rốt cuộc thì cái con người có vẻ am tường về ông cụ ấy là ai, như thế là tác giả truyện Kiều đã chuyển sang nghiên cứu về đá trời, thiên thạch, ta liều mình hỏi, không phải nghiên cứu, mà là thể nhập, ngay tự khi chép truyện Kiều đại huynh ta đã làm cuộc thể nhập ấy, ông già có vết sẹo ở cổ bắt đầu nói về ông cụ mà tựa như cắt nghĩa lại thế giới, thuở ban đầu của tồn tại là đá, là vô tri, loài người với cái gien đá vô tri ấy đã ngang nhiên đứng lên giữa cuộc tồn sinh, với cái gien đá ấy con người đã làm ra cả sự yêu thương lẫn thù hận, cả cái cao cả lẫn thấp hèn, cả cái có lý và không có lý, thể nhập là cuộc trở về với nguồn gốc con người, trong cuộc thể nhập ấy, đại huynh ta đã nghe thấu được tiếng đoạn trường, nhưng đoạn trường nào là cũ, đoạn trường nào là mới, ta xen vào hỏi, ông già có vết sẹo ở cổ nhìn sang ông cụ như để thỉnh ý, rồi bảo ta rằng đấy chỉ là một cách tiếp cận thế giới, đoạn trường hay không đoạn trường chỉ là cảm thức của con người trong cuộc tồn sinh, “rằng hay thì thật là hay, nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”, nhưng làm cách làm sao để từ chuyện chữ nghĩa văn chương chuyển sang chuyện nguồn gốc sự sống, nguồn gốc con người, ta hỏi, ông già có vết sẹo ở cổ chợt nói mà như ngâm,
“có người hỏi ta rằng… thế thì làm sao mà lại có truyện Thúy Kiều, ta đáp lại rằng, từ lúc mờ mịt chưa có gì, đến lúc có thái cực, có lưỡng nghi… rồi tự nhiên biến hóa không ai dò được manh mối từ đâu, trong khoảng ấy có rét, có nắng… lúc đầy lên, lúc vơi xuống, không thể nào giữ mãi được mực thường, đã không giữ được mực thường, thì tất có cuộc biến,…cái biến ấy đã khác với cái thường, thì phàm ai gặp phải thời ấy, bước vào cái cảnh ấy, ngổn ngang…chồng chất những khối ở trong lòng, mới phải mượn đến bút mực để chép ra, … giấc mộng đoạn trường tỉnh dậy mà căn duyên vẫn gỡ chưa rồi, khúc đàn bạc mệnh gảy xong, mà oán hận vẫn còn chưa hả, thì dẫu đời xa người khuất, không được mục kích tận nơi, nhưng lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút”,
ta biết ông vừa trích đọc bài tựa truyện Kiều của cả Phong Tuyết chủ nhân và Mộng Liên Đường chủ nhân, như thế thì gọi là thể nhập, khoa học là cuộc thể nhập vĩ đại nhất của loài người, ở đó mọi nỗi ưu tư của con người đã gặp nhau, nên mới có chuyện tác giả truyện Kiều cũng là tác giả sách nói về đá trời, ông già có vết sẹo ở cổ tiếp tục bình luận, mang giúp ta cái túi ấy, chú Cao, tác giả truyện Kiều chợt gọi, ta có cảm thấy bàng hoàng, là Cao Bá Quát người bị xử chém sau cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương ư, chẳng lẽ con người quyết xóa bỏ cái triều đại họ Nguyễn ở Việt Nam hồi cuối thế kỷ mười chín lại là tri âm tri kỷ của con người cộng tác với triều đại ấy suốt hai mươi năm đầu thế kỷ mười chín, ông già có vết sẹo ở cổ đã quay lại, vừa đặt cái bọc vải lên bàn, vừa bảo ta rằng đấy là đá lấy ở hỏa tinh các nhà thám hiểm không gian đã tặng cho tác giả truyện Kiều, ông cụ lấy từ trong bọc ra một viên đá nhỏ đặt lên bàn, từ tốn bảo ta : đá trời đấy, hãy cắn thử đi.