Nhật ký đọc sách: “Moby Dick” – cuốn tiểu thuyết huy hoàng-HẢI NGỌC [TRẦN NGỌC HIẾU]

whale_crop_2_1050x700

 

 

Tôi đọc “Moby Dick” trong những ngày cao điểm nắng nóng ở Hà Nội. Trước đó, tôi không có ý định quay lại cuốn tiểu thuyết này của Herman Melville mà mình đã bỏ dở mùa hè năm ngoái. Có lẽ cái nắng nóng có một tác dụng tích cực khi nó làm giảm bớt đáng kể những mối phân tâm của tôi. Nó làm tôi nhận ra việc mình vẫn thích làm hơn cả mỗi khi đóng cửa với thế giới bên ngoài vẫn cứ là đọc sách. Không ngờ ngọn gió hư cấu trong văn chương Melville đã cuốn tôi đi miệt mài, đến mức trong mấy ngày ấy, tôi gần như không muốn làm công việc nào khác ngoài việc đọc sách. Tôi bỏ qua những việc đến hạn phải hoàn thành, bởi nghĩ như thế là mình xây đập chắn trước dòng chảy dào dạt của văn chương Melville.

“Moby Dick” đưa tôi trở lại khoái cảm đọc văn chương sử thi mà đã lâu rồi mình không trải nghiệm lại. (Có lẽ từ thời sinh viên, khi tôi có thể dành cả tuần để đọc trọn Ramayana, Mahabharata hay “Chiến tranh và hòa bình” – pho tiểu thuyết mà tôi luôn nghĩ mình cần phải đọc lại thêm ít nhất một lần nữa khi còn trẻ.) Đọc “Moby Dick” là trải nghiệm không gian vũ trụ hoành tráng, là đi vào những trường đoạn mô tả tỉ mỉ về loài cá voi, về những vật dụng trên tàu – những mô tả không khỏi làm ta nhớ đến cách Homer khắc họa tấm khiên của Achilles trong sử thi Hy Lạp cổ đại, và tất nhiên, những cảnh tượng săn đuổi con quái vật của đại dương. Ở những trường đoạn ấy, Melville cho thấy ngôn từ văn chương có sức mạnh biểu đạt phi thường như thế nào: không một chi tiết nào được miêu tả chung chung, từ vựng của cuốn tiểu thuyết phong phú và giàu sắc thái. Nói như vậy cũng để thấy sự xuất hiện của cuốn tiểu thuyết này ở Việt Nam xứng đáng được coi là kỳ tích dịch thuật. Ấn bản của Nhã Nam, theo tôi biết, là ấn bản in lại (có biên tập và hiệu đính lại) bản dịch “Moby Dick” đã được dịch toàn văn ở Sài Gòn từ trước 1975. Tôi nghĩ bản thân đây đã là một đề tài nghiên cứu hay: trong ngữ cảnh nào, “Moby Dick” lại được chọn và dịch ở Việt Nam? Sự hiện diện ấy tại sao lại được ít nhắc đến trong nghiên cứu lịch sử dịch thuật ở Việt Nam? Các dịch giả ở đây làm cách nào có thể chuyển hóa một vùng ngôn ngữ cực kỳ phức tạp và phong phú gắn với biển cả, với sinh vật học, hải dương học – những lĩnh vực mà ngôn ngữ của chúng có lẽ chưa được vun đắp nhiều trong tiếng Việt? Văn phong dịch thuật của Moby Dick với tôi gợi được cái uy nghi của một thông điệp sử thi, cái trác tuyệt của cảm thức vũ trụ, cái trữ tình trong suy tưởng. Nói như ý của Melville, nước luôn là không gian nuôi dưỡng những trầm tưởng của con người.

“Moby Dick” là một tiểu thuyết sử thi không phải chỉ vì chiều kích hoành tráng của không gian và tính chất phổ quát của xung đột trong tác phẩm: xung đột giữa con người với tự nhiên, xung đột giữa con người với khát vọng vượt lên những giới hạn của bản thể con người. Tính sử thi của nó còn thể hiện rõ ở phẩm chất bách khoa thư. Đọc “Moby Dick” làm tôi nhớ về thời kỳ mà tiểu thuyết không giấu tham vọng có thể phơi bày được toàn cảnh hiện thực cũng như đi vào tận ngóc ngách những gì vi mô nhất của đời sống, thời Victor Hugo còn có thể đem vào tiểu thuyết cả một chương sách dài về hệ thống cống ngầm hay Leo Tolstoy đã dành cả phần cuối “Chiến tranh và hòa bình” đã biện luận cho quan điểm triết học của mình về lịch sử. Một thứ tham vọng như thế của tiểu thuyết có vẻ như ít bắt gặp hơn trong ngữ cảnh hậu hiện đại bây giờ khi câu chuyện của tiểu thuyết bị phân mảnh hóa, chỉ còn là những vi tự sự. “Moby Dick” không chỉ là một từ điển dưới dạng thức tự sự về cá voi, nó còn là một ngụ ngôn về chính trị trong đó những suy tư về dân chủ của Melville có tính chất thấu thị thực sự, điển hình là ở chương “Con cá bị cột lại và con cá tuột dây.” Thuyền trưởng Ahab trong tác phẩm cũng là biểu tượng của một thủ lĩnh cuồng tín và lôi cuốn tất cả mọi người vào trong tham vọng báo thù của mình. Những suy tư về khả năng cộng hưởng văn hóa, về tham vọng bá quyền… là những nội dung chính trị trong cuốn tiểu thuyết đến giờ vẫn còn sức vang vọng. Không hề vô cớ khi “Moby Dick” được nhiều người tìm đọc lại sau sự kiện 11/9.

Nhưng với tôi, “Moby Dick” còn đích thực là một trường ca huy hoàng. Nó là một cuốn tiểu thuyết vừa dữ dội, khốc liệt, vừa sâu lắng, trầm tĩnh. Ngôn ngữ của tiểu thuyết là một thể trùng phức đặc biệt: luôn có những tín hiệu làm ta buộc phải tìm ra những quy chiếu về các biểu tượng, các điển tích trong Kinh Thánh và các huyền thoại trong kho tàng văn hóa nhân loại. Văn bản cuốn tiểu thuyết vì thế vẫn cứ là một câu đố kỳ vĩ luôn thách thức mọi khả thể diễn giải, đến nỗi có cả một tạp chí ra thường niên chỉ tập trung nghiên cứu về “Moby Dick” – tạp chí “Leviathan”.  Cá nhân tôi khi đọc tiểu thuyết đã thật sự nghĩ mình cần phải viết một nghiên cứu nào đó về cuốn tiểu thuyết này và rồi lập tức bị phát ngợp trước khối tư liệu mênh mông xung quanh nó.

Vậy thì trong lúc tôi chưa thể phác thảo được một ý tưởng nghiên cứu cụ thể nào, tôi chép lại đây một trích đoạn mà tôi đã phải dừng lại một lúc để ngẫm về nó trong nỗi hàm ơn sâu sắc:

“… Mặt trời không che được đại dương, là phía tăm tối của quả đất, chiếm mất hai phần ba quả đất. Vậy nên, kẻ phàm trần nào kia tự thấy nơi mình nhiều vui hơn buồn, kẻ ấy không thể nào thành thực – không thành thực hay còn là ngu dốt. Với sách vở cũng vậy. Thành thực nhất trong mọi con người là Con người của Đau buồn, quyển sách thành thực nhất trong mọi quyển sách là cuốn sách của Solomon, và Ecclesiastes là chất thép của sự đau buồn đã được tinh rèn. “Tất cả là phù phiếm.” TẤT CẢ…”

Please follow and like us: