Alain Lacoste/ Canada
Ông Tự uể oải vươn vai một cái rồi chậm rãi đi qua cửa nhà chòi ra bãi cát mé sông. Cát nóng bỏng lạo xạo dưới bàn chân trần. Ông lội xuống dòng nước chảy lờ đờ, tới chỗ ngang ống quyển, khom người chúm hai bàn tay vục một bụm nước úp vào mặt. Rồi một bụm nữa. Nước nhỏ giọt trên chòm râu, nhỏ xuống bộ ngực trần đen đúa, xương xẩu. Nước mát làm ông thấy khoan khoái. Ông ngước nhìn lên phía tây, nơi có những ngọn núi xanh thẳm, lững lờ chòm mây trắng, miệng lẩm bẩm:
– Qua tiết lập đông rồi mà chẳng thấy động tĩnh gì. Chừng nào ông trời mới chịu đổ nước về.
Ông lểu thểu về chòi vừa nghĩ tới bữa cơm chiều. Cả tháng nay ông phải chắt chiu, tính toán từng bữa ăn, sao cho cầm cự tới khi lũ về. Nước cạn kiệt. Trên khúc sông quen thuộc, ban ngày, ông thả lưới, quăng chài, lặn bắn miệt mài, ban đêm, bơi sõng đi soi đến bét mắt mà vẫn không đủ đắp đổi bữa ăn. Con sông ngày càng ít cá. Đã vậy, có kẻ còn dùng xung điện. Rồi thuốc cỏ, thuốc trừ sâu từ các chân ruộng chảy xuống. Con cá nào sống sót, trốn bặt vào hang, hốc trong các hầm chảo gai góc…
Ông Tự mong lũ đến mỏi con mắt. Vì khi lũ về, cá tràu, rô, trê… từ các hầm sâu trồi ra vẫy vùng. Lại thêm cá trôi, diếc, chép, mương, chốt… ở các lòng hồ, khe suối chốn đại ngàn xuôi theo con nước bạc. Cá ở vùng hạ bạn ngược dòng… Chỉ cần nhìn luồng nước chảy, chọn vị trí thả nhá kéo, có khi, chỉ một lát, lờ cá đã đầy nóc. Nước rặt là mùa thu hoạch. Tha hồ bủa lưới. Cá no mồi béo núc. Tối đến, chỉ cần một trận mưa, ếch giao hoan kêu ồm ộp khắp cánh đồng. Chịu khó đội đèn pin đi soi một chặp, cũng kiếm được kha khá.
Ông lại góc bếp, loay hoay nhóm lửa nướng lòi cá rô muối. Xong, ông ngồi nhắm rượu. Ông nhâm nhi từng ngụm. Men rượu làm người ông nóng phừng. Ông thừ người ra nghĩ ngợi. Lại buồn. Ông Tự chưa cưới vợ. Chẳng có đứa con gái nào chịu lấy bởi không kham nổi cuộc sống phập phù nơi sông nước. Biết làm sao được. Ông đã gắn bó máu thịt với nghề chài lưới và tìm được trong công việc bao niềm vui thú riêng. Ông còn nhớ, có lần, một anh cán bộ Ủy ban Nhân dân thị trấn bước vào căn nhà chòi, lạ lẫm ngó chung quanh, săm soi từ cái bếp đến chỗ ngủ. Anh ta bảo với ông:
– Trường hợp của anh, chúng tôi cũng đã họp bàn rồi. Anh thuộc thành phần cơ bản được chiếu cố. Chúng tôi bố trí anh chân bảo vệ Hợp tác xã Nông nghiệp thị trấn. Thế sẽ tốt hơn cho anh. Không lẽ, anh cứ sống lẻ loi cả đời ở bến sông này à? Một cuộc sống không ánh điện, không hội hè, không vợ con… Còn mùa lũ, anh xoay trở thế nào trong cái nhà chòi trơ trọi?
Ông Tự ầm ừ cho xong chuyện. Đâu lại vào đấy. Lũ nhỏ. Có hề hấn gì? Lũ lớn, nước lụt tràn bờ. Ông lấy ít vật dụng cần thiết bỏ lên sõng, mà thực ra đồ đạc có nhiều nhặng gì đâu, chèo thẳng vào nhà người quen ở nơi cao ráo ven thị trấn ở tạm vài hôm. Căn nhà chòi bị lũ trôi, ông dựng lại, tốn ít tranh tre là xong. Anh cán bộ đến mấy lần nữa cũng không thuyết phục được, đành thôi.
* * *
Hồi ấy, xảy ra một chuyện đã làm xáo trộn cuộc sống bình lặng của ông. Một đêm khuya. Ánh trăng vàng trên mặt sông. Ông trằn trọc không chợp mắt được, ra trước hiên ngồi hóng mát. Bỗng có tiếng chân người đi vội dọc theo bờ sông. Ai ra sông giờ này? Linh tính báo có chuyện bất thường. Thêm một kẻ chán đời chăng? Ông Tự nhổm dậy bước sải theo. Quả nhiên, đến chỗ vực nước sâu, người kia nhảy ùm xuống nước. Không chần chừ, ông cởi áo nhảy ào theo, bơi như con rái cá, vừa bơi vừa quan sát. Định được vị trí, ông thận trọng lặn xuống, quờ tay tìm kiếm. Đụng mái tóc dài. Ông xoắn tay nắm kéo giật đầu cô gái ra sau, cố sức đưa lên mặt nước. Cô ta giãy giụa yếu ớt rồi xuôi tay, bất động. Ông vừa bơi vừa kéo vào bãi cát gần đấy. Bằng những động tác hết sức thuần thục, ông xốc nước, hô hấp nhân tạo. Ông từng cứu được không ít người thoát chết chỗ cái vực đó bất chấp lời nguyền thế mạng luôn ám ảnh người dân chài. Cô gái nấc lên, miệng, mũi ói trào nước. Ông thở phào, bế thốc cô gái rảo bước về chòi, đặt cô nằm trên chiếu. Người cô run lên cầm cập. Ông quơ vội bộ quần áo khô vắt trên cây sào phơi đồ thay gấp cho cô rồi vội vã nhóm lửa. Ngọn lửa bùng lên, hơi nóng lan tỏa. Ông bưng lò lửa lại, đỡ cô gái ngồi dậy sưởi. Gương mặt trắng bệch, môi tím tái. Mắt thất thần, sợ hãi… Lát sau, cô gái ôm mặt khóc, tiếng khóc tức tưởi mỗi lúc một lớn. Cô ta khóc được là đỡ rồi. Giọt nước mắt sẽ làm nhẹ bớt nỗi đau. Chờ cho tiếng khóc cô gái dịu đi, ông nói:
– Giờ cô chợp mắt một tí. Mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Cô gái mệt mỏi nằm xuống. Mắt khép lại. Hơi thở đều đều. Giấc ngủ đến với cô thật nhanh chóng. Ông bước lại ngồi bên cạnh. Chưa bao giờ tận mắt thấy một cô gái đẹp đến như vậy. Bộ ngực căng tròn phập phồng lên xuống đều đặn theo nhịp thở. Cổ áo rộng vì quá khổ người trễ xuống lộ bầu vú no mẩy. Ông vừa háo hức vừa ngượng ngùng. Những đêm nằm một mình, không ít lần cơ thể cồn cào đòi hỏi nhưng rốt cuộc vẫn chưa được nếm mùi đàn bà. Không kìm nén được, ông bồi hồi cầm bàn tay cô ve vuốt, phần đàn ông thức dậy, cựa quậy, rạo rực. Sự thèm muốn mỗi lúc thêm thiêu đốt nóng ran trong người. Ông chồm xuống chống tay bên kia người cô gái định hôn vào má. Nhưng… bất chợt ông khựng lại khi thấy nỗi đau khổ còn đọng trên gương mặt nhợt nhạt… Nỗi đau khổ đã dẫn cô quyết định ra bến sông để tự vẫn… Ông tần ngần một lúc rồi thở dài một tiếng, buông bàn tay cô gái, đứng dậy, bước ra ngoài, tới chỗ cái sõng đang neo gần đó, leo nhanh lên, tháo dây cột, chèo thẳng ra giữa dòng. Bóng ông khuất dần trong trăng. Ông cứ chèo mãi miết cho tới khi sương lạnh ướt cả áo, tĩnh tâm trở lại mới quay về. Căn nhà chòi trống không. Cô gái đã đi từ lúc nào. Bộ quần áo ông mặc cho ban nãy xếp ngay ngắn để trên sàn…
* * *
Ít hôm sau, lúc gần trưa, ông Tự bơi sõng đi giở lưới bắt cá về, vừa bước lên sàn, ông Tự ngỡ ngàng không tin vào mắt mình nữa. Cô gái hôm nọ ngồi khép nép ở góc nhà. Mắt lo lắng, e thẹn trông rất tội nghiệp. Ông mỉm cười, khẽ gật đầu chào rồi đi vào xó bếp treo cái lờ cá lên cái móc. Xong, tay với lấy bộ quần áo tươm tất ra phía sau nhà chòi thay. Bước vào, tới ngồi chỗ cái bàn tre nhỏ xiêu vẹo, trông cô gái run rẩy, ông nhỏ nhẹ:
– Lại đây ngồi đã, có gì từ từ hẵng nói.
Cô gái líu ríu đến ngồi khép nép ở ghế đối diện. Im lặng. Ông quấn một điếu thuốc rê châm lửa hút. Một lúc sau, dường như đã bình tĩnh, cô gái ấp úng mở lời:
– Em… Em biết thế này là đường đột nhưng không còn cách nào khác. Xin anh cho ở tạm một thời gian. Bây giờ, em không có nhà, chưa biết đi đâu.
Ông Tự đáp:
– Cô ở bao lâu cũng được. Chỉ e nhà tuềnh toàng quá, tiện nghi sinh hoạt không có, liệu cô có chịu được không?
Cô gái nghẹn ngào:
– Em tên Phương Nhi. Anh đã cứu sống em. Giờ lại được cưu mang là may mắn lắm rồi. Ngoài anh ra, em không còn biết cậy vào ai nữa.
Phương Nhi kể vắn tắt chuyện bị một gả sở khanh lừa gạt. Khi có mang, hắn đã tàn nhẫn bỏ rơi. Ba mẹ từ bỏ… Giọng cô chợt rắn rỏi:
– Em sẽ bắt đầu lại cuộc sống mình. Con em không có tội gì. Nó phải được ra đời.
Phương Nhi đem đến cho đời ông niềm hạnh phúc mà ông chưa từng có được. Nhiều đêm nằm bên cô, nghe tiếng muỗi vo ve và tiếng nước chảy róc rách quen thuộc, ông cứ ngỡ là giấc mơ. Rồi Phương Nhi sinh một bé gái. Cô nói:
– Em đặt con bé tên Phận. Em không bao giờ quên cái số phận nghiệt ngã đã đưa đẩy mẹ con em đến với anh, để mình có nhau trong cuộc đời này.
Bé Phận ra đời thêm nhiều chi phí. Ông phải lặn sâu hơn, phơi nắng nhiều hơn để kiếm thêm con tôm, con cá. Ông cật lực xoay trở đến mướt mồ hôi. Một đêm mưa gió mịt mù, gió lùa vào khe trống bức vách lạnh căm căm. Phương Nhi thao thức đến quá nửa đêm. Ông hỏi. Cô thở dài:
– Em không đành lòng thấy anh vì mẹ con em mà lặn lội bươi chải vất vả mãi được. Vừa rồi, em vào thị trấn liên hệ với một người bà con ở xa nhờ tìm giúp việc làm. Người ấy vừa nhắn tin bảo em vào gấp không khéo lỡ mất cơ hội. Em đi một chuyến xem thử thế nào. Nhờ anh nuôi giùm bé Phận. Tìm được công việc ổn định, em sẽ về đón con.
Ông Tự biết không thể giữ Phương Nhi ở với mình. Sự ràng buộc với cô lỏng lẻo đến mức có thể tan biến bất cứ lúc nào. Ông nơm nớp sợ mất cô. Điều lo lắng đó đã đến. Phương Nhi nói tiếp:
– Em không thể tiếp tục sống như thế này được. Mong anh hiểu cho em.
Ông Tự vẫn im lặng nhưng buồn lắm khi nghĩ tới căn nhà chòi không còn tiếng cười tiếng nói của cô. Phương Nhi không nói gì thêm. Cô đi vào một chiều mưa tầm tã. Ông ẵm bé Phận đứng dưới mái hiên nhìn theo. Hạt mưa tạt vào mắt cay xè…
* * *
Phương Nhi đi rồi, ông chăm chút nuôi bé Phận. Tiếng nói bi bô của con bé làm căn nhà chòi bớt trống vắng. Bữa cơm rau, bữa cháo cá, bàn tay xù xì, thô ráp của ông nuôi Phận lớn lên. Con bé hỏi về má nó. Ông nói má nó đi làm ăn xa. Có lần, con bé nắm tay ông lay lay, miệng nằng nặc:
– Ba ơi! Má bỏ ba con mình rồi phải không?
Ông phải vỗ về:
– Không đâu. Má không bỏ ba con mình đâu. Má sẽ về thôi.
Năm ấy khô hạn cháy đất. Đồng ruộng nứt nẻ. Nắng hạn kéo dài qua tiết đông chí. Cuộc sống càng thêm túng bấn. Đồng bạc kiếm được quá khó khăn. Có ngày, ông phải vào trong chợ gánh nước đổ cho mấy mụ hàng cá kiếm ít tiền lẻ mua đỡ bát gạo. Vậy mà, đi học về, con bé thường mếu máo khóc nào là bạn học chọc vì cái áo cũ rách toạc vai không ai vá, không có tiền mua sách vở, cô giáo hối thúc nộp các khoản nhà trường thu… Ông chỉ còn biết ôm nó vào lòng:
– Con nín đi. Rồi ba lo đầy đủ tất cả cho con.
Con bé bệu bạo hỏi:
– Chừng nào hở ba?
Ông chép miệng:
– Chờ con lũ về con ạ. Chắc cũng không lâu nữa đâu.
Trán ông Tự hằn sâu thêm nếp nhăn. Hai cha con im lặng lắng nghe tiếng sấm phía đầu nguồn. Mắt con bé xôn xao.
* * *
Phương Nhi đi bặt một hơi mười năm trời. Rồi cô cũng trở về khi cái nắng hạn và nỗi chờ mong con lũ đã làm kiệt quệ sức chịu đựng của ông Tự. Cô hỏi về cuộc sống của cha con ông. Nghe ông kể, mắt cô đỏ hoe. Nén xúc động, cô cho ông biết, mình đã có chồng. Thời gian qua, vợ chồng cô lập nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nay chồng cô sang nước ngoài làm việc. Cô phải theo chồng. Mãi gần đây, cô mới kể cho chồng nghe chuyện bé Phận. Người chồng cao thượng bỏ qua tất cả và bảo về đón bé Phận cùng đi. Phương Nhi nghẹn ngào:
– Em đã bỏ con bơ vơ ngần ấy thời gian. Giờ sẽ chăm lo, bù đắp cho nó. Cho em xin lỗi vì không thể cùng anh sống hết cuộc đời này. Anh đã khổ nhiều với mẹ con em. Ơn anh sâu nặng, đời này mẹ con em không sao trả nổi.
Có cái gì nghèn nghẹn nơi cổ họng. Sự việc quá đột ngột làm ông sững người. Ông đã mất Phương Nhi, giờ sẽ mất luôn bé Phận, đứa con gái nhỏ nhắn mà ông rất đỗi yêu thương? Chẳng lẽ nó không còn quấn quýt bên ông nữa sao? Căn nhà chòi sẽ trống vắng biết chừng nào khi không còn có nó? Số phận nỡ trớ trêu với ông như vậy? Nhưng, sống với ông thì con bé phải tiếp tục chuỗi ngày cơ cực, thiếu đói deo dắt triền miên. Tương lai con bé sẽ về đâu? Con bé cần có mẹ. Ông tin rằng, sống với Phương Nhi, một cuộc sống khác tốt đẹp hơn sẽ đến với con bé.
Thấy ông Tự tư lự, Phương Nhi chắp tay lên ngực thổn thức:
– Anh thương em thì để mẹ con em được ở bên nhau. Em xin anh đấy. Anh cho em cơ hội để làm tròn trách nhiệm người mẹ.
Phương Nhi mở cái xắc lấy một xấp tiền đặt lên bàn, giọng run rẩy:
– Em có chút ít biếu anh trà nước. Mong anh nhận cho em vui.
Ông vội cầm xấp tiền dúi lại vào tay cô:
– Đừng làm thế. Cầm lấy mà nuôi con bé. Dẫn nó đi mà nuôi dạy nó cho nên người nghe.
Con bé đi hái rau về. Nó lạ lẫm ngó Phương Nhi rồi chạy đến bên ông dò hỏi. Ông vuốt nhẹ mái tóc nó, nói nhỏ nhẹ:
– Má con đó. Má về với con rồi. Con đến với má đi.
– Má đây con! Phương Nhi xúc động kêu lên.
– Má! Má ơi!
Bé Phận thả rổ rau xuống sàn, chạy tới ôm chặt Phương Nhi. Cô bế con bé lên. Hai mẹ con khóc sướt mướt. Phương Nhi hôn lên má lên tóc nó. Con bé áp mặt vào ngực mẹ, rủ rỉ:
– Má ở lại với con, với ba nghen.
Ông Tự lên tiếng:
– Má con không ở được. Con đi với má. Má sẽ lo cho con đầy đủ. Khi nào rảnh, hai má con sẽ về thăm ba.
Bé Phận phụng phịu không chịu. Ông phải dỗ mãi nó mới xiêu lòng.
– Má hứa đi má. Má con mình về thăm ba nghen.
– Ừ, má hứa.
Ngay trong chiều hôm đó, con bé theo mẹ nó ra đi. Bóng hai mẹ con liêu xiêu trên bờ sông. Con bé vừa đi chốc chốc ngoái nhìn lại. Ông không chịu nổi cái nhìn ấy, quay mặt nhìn ra dòng sông. Dòng nước chảy vấp váp len lỏi qua các bờ cát như đang khắc khoải chờ đợi đến nao lòng cơn chuyển dạ phía đầu nguồn…
* * *
Hai mươi năm sau, cái thị trấn nhỏ bây giờ đã trở thành thị xã sầm uất, nhịp sống ồn ào, gấp gáp đã cuốn phăng đi nhiều thứ. Từ nước ngoài trở về, mọi thứ trở nên xa lạ với Phận. Buổi sáng ảm đạm hôm ấy, tay xách một cái hộp nhỏ, Phận đi men theo bờ sông đến chỗ có mô đất bằng, cỏ dại mọc đầy. Phận đã đến nơi này mấy lần. Lần nào cũng quằn quặn bởi một ý nghĩ, có phải đây là nơi mình đã sống một quãng đời thơ ấu trong sự yêu thương nuôi nấng khó nhọc của ba? Có phải chính mảnh đất đang đứng, má con mình còn nợ một lời hứa không bao giờ thực hiện được? Nhưng căn nhà chòi đâu rồi? Ba đâu rồi? Biết tìm ba ở đâu? Hình ảnh của ngày xưa chỉ còn một dòng nước lặng lẽ xuôi về hạ bạn… Phận lại bồi hồi, xót xa. Có ai ngờ đâu, một lần ra đi là đi biệt, một lần chia tay là vĩnh viễn cách mặt. Những ngày tháng xa xứ, công việc mưu sinh vất vả, tất bật cuốn hút. Những lúc rảnh rỗi, có lần Phận thấy má tựa vào khung cửa sổ nhìn xa xăm, mắt đỏ hoe. Đoán biết má nhớ ba, Phận chạy đến ôm lấy má. Hai mẹ con không ai nói một lời, cứ ôm nhau khóc nức nở. Lần này Phận trở về thăm quê, còn thực hiện một di nguyện của má trước khi mất là đem nắm tro cốt chôn cất ở nơi đã từng được cứu sống. Má muốn yên giấc ngàn năm ở cái nơi bình yên với tình yêu thương chân thành không một chút gợn mờ… Phận mở nắp hộp, cầm chiếc bình đựng tro cốt của má, thẫn thờ nhìn dòng sông. Phận cứ đứng lặng như thế giờ lâu. Chợt có tiếng sấm rền phía đầu nguồn, Phận ngước mặt trông lên những đám mây đen vần vũ, giăng mờ trên mấy chỏm núi phía tây, bất giác nói một mình:
– Sắp có lũ rồi!