Châu Âu ký sự/Trở lại xứ Gà trống Gô-loa-NGUYỄN CHU NHẠC

Trước Khải Hoàn Môn

 

 

 

3. Một Paris cổ kính & hoa lệ…

Paris, kinh đô Ánh sáng ( Ville lumière ). Người ta đã mệnh danh cho Paris là thế, hẳn phải có lý do của nó. Trước hết, Paris có một lịch sử lâu đời.

Paris có một lịch sử lâu đời, gắn liền với lịch sử Pháp và cả châu Âu. Từ một thành trì của người Parisii thuộc bộ tộc Gaulois, nơi đây trở thành một thành phố La Mã vào thế kỷ 1. Tới thế kỷ 6, vua Clovis I lấy Paris làm thủ đô cho vương quốc Franc. Trải qua nhiều thế kỷ biến động, mặc dù không liên lục, Paris vẫn là thủ đô của Pháp. Tới thế kỷ 16, thành phố là nơi nổ ra Cách mạng Pháp, rồi sau đó trở thành thủ đô của Đệ nhất đế chế thời Napoléon Bonaparte. Vào thế kỷ 17, Paris bắt đầu có những phát triển vượt bậc và được quy hoạch lại dưới thời Napoléon III. Sau Công xã Paris, thành phố bước vào thời kỳ Belle Époque và trở thành trung tâm văn hóa của cả châu Âu. Qua hai cuộc chiến tranh thế giới, Paris ít bị hủy hoại và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn hậu chiến. Ngày nay, thành phố tiếp tục là một trung tâm văn hóa, kinh tế của cả thế giới “. Đấy là những dòng tư liệu tóm tắt về lịch sử của Paris.
Vậy sao thế giới lại gọi Paris là Thành phố Ánh sáng? Người ta lý giải rằng: Tên gọi này được bắt đầu từ nghĩa đen của nó, ấy là từ cuối thế kỷ 17, viên tướng cảnh sát đầu tiên của Paris là Gabriel Nicolas de La Reynie đã ra lệnh thắp sáng những khu vực công cộng vốn là tụ điểm có nhiều tệ nạn của thành phố và xem đây là một biện pháp phòng chống tệ nạn xã hội hữu hiệu. Song, bởi Paris nổi tiếng với vị trí trung tâm văn hóa, tri thức của cả thế giới, nên tên gọi này thường được người ta hiểu theo nghĩa bóng. Và thực tế cho thấy, Paris hội đủ và xứng đáng với hàng loạt các cụm từ: Trung tâm Chính trị-Kinh tế-Văn hóa-Du lịch của châu Âu và thế giới. Nếu chỉ đem riêng cụm từ “ Văn hóa” mà chẻ nhỏ ra, ta thấy thành bao nhiêu mảnh : văn học nghệ thuật, âm nhạc, điện ảnh, hội họa, điêu khắc, bảo tàng, thời trang,…
Trở về với thực tại, cảm nhận của mình về một Paris hoa lệ. Quả là tôi không dám động chạm đến bất cứ một thứ gì, loại hình cụ thể nào trong những liệt kê trên, đơn giản, bởi nó quá phong phú đến mức có viết bao nhiêu cũng vẫn là không đủ. Song, mỗi phút giây sống ở đây, có hai loại cảm giác thường trực trong tôi, ấy là, thời gian trôi chậm vậy và sao thời gian trôi nhanh thế!… Có gì mâu thuẫn chăng ?
Mỗi buổi sáng thức dậy, vừa nấu ăn sáng vừa nhâm nhi tách café, tranh thủ gọi điện về Việt Nam, ở nhà khi ấy đã đang trưa, lòng tự nhủ, ở bên này, hôm hay ta còn cả một ngày để tìm hiểu và khám phá Paris kia mà. Để rồi đến tối, sau bữa ăn, lúc đó, ở bên nhà thời gian đã qua ngày hôm sau, mới tự nhủ, cả ngày hôm nay, mình vẫn chưa kịp tìm hiểu thêm gì về Paris cả. Cứ thế này thì mấy đã đến ngày chia tay phải Paris mà mình vẫn chưa khám phá gì nhiều về thành phố đầy bí ẩn này… Với những người mới đến Paris lần đầu, có lẽ họ sẽ có cảm giác khác, ấy là sự lạ lẫm và biết được bao nhiêu hay chừng ấy. Còn với tôi, từ 16 năm về trước, đã có gần hai tháng trời học tập ở đây, biết cũng nhiều mà chưa biết còn gấp bội. Vậy mới sinh cái cảm giác thèm khát được khám phá hết thảy những gì mình mới biết sơ sơ, hoặc mới chỉ biết qua sách vở, phim ảnh…
Thế nên, mỗi khi ngang qua một cây cầu bắc qua sông Xen ( Seine ), mỗi khi nhìn thấy ngọn tháp Eiffel, hay chóp nhà thờ Đức Bà ( Notre-Dame de Paris ), hay xe chạy ngang qua Khải Hoàn Môn trên đại lộ Champs- Élyssées, ngang quảng trường Concorde, hoặc những phút tha thẩn trong vườn Luxembourg, nhẩn nha trên đồi Montmartre dưới bóng nhà thờ Sacré-Coeur phóng tầm mắt ra xa bao quát toàn bộ thành phố, hoặc phút bồi hồi trước bức họa Monna Lisa trong bảo tàng Luvre, … tất thẩy, đều khiến mình cố căng hết mọi giác quan để mà thấy, mà cảm nhận…
Rồi nữa, những cửa hàng sang trọng trên đại lộ Champs- Élyssées, đại lộ Montaigne nơi có nhiều cửa hiệu thời trang cao cấp, khu mua sắm Galeries Lafayette, Printemps… cho ta thấy một Paris cổ kính và hoa lệ…
Lẽ dĩ nhiên, không phải chỉ duy nhất một Paris thành Paradis, có nghĩa là thiên đường, mà còn có một Paris đời thường..

 

4…. Và một Paris đời thường…

Ai đó, đã từng ra nước ngoài, từng đến những đô thị, trung tâm văn minh của thế giới, nếu muốn biết nhịp sống nhanh của nó, chỉ cần bước chân xuống ga metro ( tàu điện ngầm ) thì sẽ thấy ngay.

Mặc dù, vào giờ cao điểm của giao thông, nếu bị nhỡ tàu, bạn chỉ mất tối đa là 3 phút để đáp chuyến sau đó. Song, dường như không ai muốn phải chờ thêm, dù chỉ là một phút, thế nên, hễ bước chân xuống ga metro là người ta rảo bước, chen vai huých cánh mà chạy gằn vì không muốn bị lỡ tàu. Đơn giản, bởi không ai muốn phải chờ đợi trong dòng chảy xiết của cuộc sống thường nhật, dù biết, có nhanh hơn một chút cũng chẳng để làm gì, ngoài việc chứng minh, mình không bị bỏ tụt lại phía sau…
Và cũng ngay tại nơi đây, đâu đó nơi góc vườn hoa, bên hàng rào hè phố xá, dưới chân cầu, trong những chiếc xe hơi cũ hỏng… có những con người sống với nhịp sống thật chậm. Chậm đến mức, dường như thời gian ngưng đọng, bởi với họ, thời gian trôi hay không, đều không nghĩa lý chi…
Paris, từ những thế kỷ trước, vốn được mệnh danh là Kinh đô Ánh sáng, nên các triết gia, nhà hoạt động xã hội, cách mạng, văn nghệ sĩ, nhà khoa học, muốn được nổi tiếng, được thế giới công nhận, họ đều tìm đến Paris… Cùng với đó, kéo theo làn sóng người nghèo nhập cư vào đây từ Châu Phi, châu Á, Đông Âu… Hiện tại, Paris có khoảng 1 vạn người vô gia cư ( không kể số người sống ở mức nghèo chiếm khoảng 12 % ).
Với người vô gia cư, người nghèo nói chung, họ sống bằng đủ các thứ nghề; lương thiện, là làm lao công theo giờ, bán hàng rong hè phố, lập ban nhạc biểu diễn quyên tiền nơi công cộng, giả trang xin tiền, cho chụp ảnh đòi tiền…; còn bất thiện, thôi thì trộm cắp, đĩ điếm, lừa đảo đủ kiểu, khôn lường… Bản thân, tôi đã tận mắt chứng kiến đám ma-cà-bông dắt díu dăm bảy đứa quây hội đồng bức khách du lịch nơi chân tháp Eiffel, bên ngoài Nhà hát Opera, và tôi cũng đã bị kéo khóa ba-lô xuýt bị móc túi, khi đi mua sắm trên phố cạnh quảng trường Concorde…
Lẽ dĩ nhiên, người dân bình thường, người giàu có sang trọng của Paris, cũng có cuộc sống đời thường, có nhịp sống chậm của họ. Nhưng với lớp người này, họ thư giãn, sống chậm khi thả bộ ngắm phố xá, hay tập thể dục thể thao nơi góc vườn hoa yên tĩnh, khi ngồi nhâm nhi và tán gẫu ở các quán café, hay tha thẩn mua sắm nơi cửa hàng cao cấp…
Dẫu biết, Paris đời thường còn nhiều ngang trái, khốn khó, nhếch nhác… nhưng ấy mới là cuộc sống xã hội. Từ thế kỷ trước, các nhà văn O.Balzac, V.Hugo… đã chẳng từng khắc họa một Paris đời thường với những kẻ đạo chích, đám ma-ca-bông nơi hè phố La-tinh, nơi chân cầu Pon Neuf, nơi góc vườn Luxembourg, nơi xó tối hôi hám ngập ngụa cống rãnh …
Hiểu thêm một Paris đời thường, biết quý thêm một Paris cổ kính và hoa lệ… Để rồi, đắm vào một Paris với những vỉa tầng lịch sử, văn hóa còn lẩn khuất, chìm ẩn…

 

[còn tiếp]

Please follow and like us: