Pablo Picasso/Tây Ban Nha
Mưa lất phất. Hắn rảo bước, mắt đảo quanh tìm chỗ trú. Cổng bệnh viện trước
mặt. Bác bảo vệ ngồi lim dim mắt trong phòng trực. Hắn đi bằng cửa phụ, băng
qua khoảng sân rộng, lên các bậc cấp rồi vào cái phòng ban ngày bệnh nhân ngồi
chờ tới lượt khám bệnh. Hắn nhìn quanh quất, trong bóng đêm lờ mờ, chỉ có vài
người nằm ngủ gà ngủ gật trên mấy chiếc ghế tựa dài. Hắn đi tới chiếc ghế trong
cùng kê sát tường, uể oải đặt lưng xuống, co một tay lên đầu làm gối, ngủ tạm qua
đêm. Đã ba ngày từ lúc ra khỏi trại, hắn chưa được ăn một bữa no. Số tiền ít ỏi
nhận từ tay người quản giáo đủ cho hắn mua một bộ cánh tươm tất và đón chuyến
xe đò về nhà. Suốt những năm tháng dài ở trại, hắn mong mỏi có ngày này. Thế
mà, khi về tới nhà, hắn chưng hửng. Căn nhà nhỏ quen thuộc ở xóm ngoại ô đã
sang tên chủ mới. Vợ hắn dẫn hai đứa con nhỏ lưu lạc nơi nào? Thằng út hắn chỉ
thấy mặt vài lần khi vợ hắn dẫn vào trại thăm nuôi. Hụt hẫng… Từ trưa tới giờ vẫn
chưa có cái gì bỏ vào bụng, cái đói cồn cào làm hắn không sao chợp mắt, cứ ngọ
nguậy trên ghế. Hắn làu bàu trong miệng: “Chó thật! Muốn hoàn lương thật không
dễ chút nào”. Hồi chiều, hắn cuốc bộ mỏi nhừ cả hai chân tới một cái quán nhậu
đặc sản trong thị xã. Quán này hắn đã từng bảo kê. Thấy hắn, gã chủ quán mừng rỡ
kéo ngay vào phòng riêng. Sau vài câu thăm hỏi chiếu lệ, gã nhờ hắn thanh toán
một đối thủ cạnh tranh buôn bán ở quán đối diện bên kia đường. Gã chủ quán rên
rỉ:
– Nếu không trị nó, em phá sản mất!
Hắn thẳng thắng từ chối. Hắn muốn xin việc làm, việc gì cũng được, giữ xe, bồi
bàn, rửa chén bát… miễn kiếm miếng ăn sống tạm qua ngày. Gã chủ quán nhìn hắn
nghi ngại rồi làm bộ xuýt xoa:
– Ấy chết ! Em đâu dám thế, anh Hai tha cho em.
“Thằng đểu!”. Máu sôi lên, bàn tay nắm chặt lại. Gã chủ quán đã biết uy danh
của hắn trong giới giang hồ. Chỉ cần hắn trợn mắt, đập bàn “Đừng lôi thôi! Ông
đang đoi đây, có ói ra chút đỉnh không?”. Chắc chắn gã sẽ thò tay xuống ngăn kéo
quầy bán… Nhưng hắn không làm thế được nữa. Hắn nếm mùi tù tội gần mười
năm đã quá đủ rồi. Hắn hiểu rằng nếu không kìm được cái máu ngang ngạnh, liều
lĩnh, chẳng mấy chốc sẽ quay lại cuộc sống cũ: đâm chém, trốn chui nhủi, trại cải
tạo hoặc phải dựa cột như mấy thằng đàn em hung hăng… Hắn nhắm mắt, rùng
mình.
Khó ngủ. Hắn lồm cồm đứng dậy, mò ra hành lang, ngồi thu lu trên bậc cấp,
mặt úp vào lòng bàn tay. Bộ dạng hắn hết sức thảm hại: đầu tóc bù xù, quần áo
nhàu nát, cáu bẩn, nồng nặc mồ hôi… Vài người nhà bệnh nhân lác đác ra về,
không ai chú ý tới hắn. Bỗng, cánh cổng lớn mở toang, ánh đèn pha ô tô loang
loáng làm hắn giật mình. Một chiếc xe bảy chỗ ngồi dừng lại giữa sân, anh tài xế
nhanh nhảu bước xuống rồi chạy vòng sang bên kia mở lại cửa xe:
– Mời sếp ạ!
2
Sếp là người đàn ông đứng tuổi, bệ vệ mặc áo sơ mi xám, thắt cà vạt đỏ sọc.
Anh tài xế bậc cái dù che mưa cho ông ta. Lên hết bậc cấp, ông ta ngoặt về phía
dãy phòng bên phải, tiếng giày lộp cộp nhỏ dần trên hành lang. Hắn hé mắt dõi
theo. Người đàn ông vào một phòng điện sáng choang. Hắn đoán chừng đó là
phòng cấp cứu.Vài chiếc áo blu trắng thấp thoáng đi lại. Anh tài xế lái xe vào bãi
đậu. Anh đèn pha ô tô vụt tắt, chỉ còn bóng điện tròn treo dưới tấm đanh hắt vào
tấm màn mưa một quầng sáng vàng vọt, lạnh lẽo. Tiếng giày lại vang lên. Người
đàn ông đang đi tới cùng một bác sĩ. Giọng vị bác sĩ gấp gáp:
– Cháu bị té rất nặng, gãy xương vai, đứt động mạch chủ, mất máu nhiều,
huyết áp tuột, tình trạng nguy kịch, phải chuyền ngay máu cho cháu để tiến hành
phẫu thuật gấp. Nhưng, tôi đã nói với ông lúc nãy, máu nhóm O bệnh viện đã hết
cả tuần nay.
– Bác sĩ hãy cứu nó bằng mọi cách. Nó là con trai duy nhất của tôi. Quả tình
tôi có lỗi với nó. Vì chút hiểu lầm, vợ tôi giận nên dẫn nó về ở với ngoại. Nó thiếu
sự chăm sóc nên đến nông nỗi này …
– Đó là chuyện riêng của ông, vị bác sĩ lạnh lùng ngắt lời, việc của tôi là cứu
chữa người bệnh. Tôi có một đề nghị.
Người đàn ông sốt sắng:
– Bác sĩ cứ nói ra, tôi sẵn sàng làm tất cả.
– Cha con ruột cùng một nhóm máu. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo này có thể
lấy máu của ông tiếp cho đứa bé.
Gương mặt béo tốt của người đàn ông bỗng tái nhợt. Ông ta nói thảng thốt:
– Máu của tôi!
– Đúng vậy.
– Không thể được… tốn kém bao nhiêu tôi cũng chấp nhận, nhưng… máu
của tôi thì đành chịu.
Vị bác sĩ cáu gắt:
– Tôi không sao hiểu nổi. Ông muốn cứu con sao lại thoái thác một việc cần
thiết trong lúc cấp bách như vậy. Cho ít máu cũng không hề ảnh hưởng đến sức
khỏe ông kia mà.
Người đàn ông vẫn kiên quyết lắc đầu:
– Không được!
Vị bác sĩ nhún vai, chua chát nói:
– Vậy thì tùy ông thôi.
Vị bác sĩ bỏ về phòng trực. Tình cờ nghe cuộc trao đổi, tự nhiên, hắn tức
nghẹn đến cổ. Hắn chưa từng thấy người cha nào nhẫn tâm đến thế. Lại còn leo lẻo
cái miệng ra điều thương con. “Đồ đạo đức giả!” Cảm giác căm ghét tởm lợm làm
hắn không tự chủ được. Mặt nóng phừng phừng, hắn đứng dậy, lừ lừ tiến tới gần
gã đàn ông, đột ngột vung tay nắm lấy cổ áo gã, miệng rít lên:
– Đ. mẹ mày! Con mày đang nguy kịch mà mày còn tiếc mấy giọt máu à!
Người đàn ông sợ hãi lùi lại, miệng ấp úng:
– Anh làm gì thế? Anh là ai?
– Là ai mày không cần biết nhưng không đến nỗi chó má như mày. Hừ! Mày
có còn là con người không?
3
– Anh hiểu lầm rồi. Trời ơi! Không ai hiểu cho tôi cả … Tôi thề với anh, lúc
này đây, có phải đổi sự sống để cứu con, tôi cũng không tiếc. Nhưng nếu chuyền
máu của tôi cho nó thì hậu quả lại càng tệ hại hơn nữa.
Hắn vẫn chưa hết thắc mắc. Song bàn tay nắm cổ áo của người đàn ông
bỗng mềm ra rồi buông thõng xuống. Người đàn ông tiếp tục nói bằng giọng xúc
động:
– Anh biết không, tôi phải trả giá cho sự dại dột của chính mình…
Ngừng lại một lúc, ông ta kể tiếp. Đại để là cuộc nhậu ở nhà hàng cách đây
không lâu, khi đã ngà ngà say, một nhân viên tâm phúc rỉ tai: “Chơi tới Z luôn
nghe sếp. Có hàng tươi “Xịn” lắm”. Toàn “ rau sạch” không à. Sếp yên tâm. Các ả
được dẫn tới. Ả trẻ nhất chừng hai mươi tuổi, sà vào lòng ông ta, mắt lúng liếng …
Sự thèm muốn rạo rực làm ông mờ mắt… Mọi việc xong xuôi, ả cầm sấp tiền boa
của ông ta nhét vào túi quần, hôn vào má ông rồi đột nhiên cười hơ hớ. Thấy lạ,
ông ta hỏi, ả đáp:
– Ông là người tiếp theo tôi tặng cho “quả cầu gai” đấy.
– HIV! Ông ta thảng thốt kêu lên.
Ả lại cười hơ hớ. Ông ta càng kinh hãi:
– Sao cô không nói trước?
Mặt ả bỗng đanh lại:
– Thằng khốn nạn truyền cho tôi cái của nợ đó có nói trước với tôi đâu. Vĩnh
biệt nhé! Ả ngúng nguẩy ra khỏi phòng.
Ông vò đầu hối hận, vì quá chén nên thiếu tỉnh táo, không dùng biện pháp an
toàn.
Im lặng …
Cơn mưa đã ngớt. Chung quanh vắng ngắt. Tiếng dế rỉ rả kêu thê thiết. Bỗng
người phụ nữ từ căn phòng cấp cứu chạy vội đến, nét mặt lo lắng. Bà ta nắm tay
người đàn ông mếu máo:
– Con nguy rồi! Biết làm sao đây? Tôi chỉ còn có nó. Mất nó tôi không sống
được.
Bà ta hết nhìn chồng rồi lại nhìn hắn. Anh mắt lộ vẻ đau khổ van lơn. “Bà ta tội
nghiệp quá!”. Hắn chợt nhớ tới hai đứa con. Nỗi nhớ quay quắt đến quặn tim …
Hắn nói với người phụ nữ:
– Bà yên tâm. Tôi thuộc nhóm máu O. Tôi cho máu để cứu cháu.
Hồi chưa đi tù, lúc thắt ngặt, hắn đã vài lần đi bán máu nên biết rõ nhóm máu
của mình. Hắn đi về phía phòng cấp cứu. Hai người kia bước tiếp theo, miệng cám
ơn rối rít. Hắn gặp cô y sĩ trình bày ý định của mình. Nghe hắn nói xong, cô y sĩ
niềm nở:
– Tốt quá, mời anh vào làm xét nghiệm, nhanh kẻo không còn kịp. Cô y sĩ chỉ
hắn lại nằm tên chiếc giường nệm trải chiếc ra xanh. Hắn quả quyết chìa cánh tay
trái ra. Cô y sĩ lấy bông thấm cồn lau sạch vùng da tay rồi cẩn thận châm mũi kim
vào lấy ít máu vào ống xi ranh. Xong, cô đi khỏi phòng. Lát sau cô quay lại nói:
– Máu anh đạt yêu cầu, anh định cho bao nhiêu?
– Cứ lấy đủ cứu đứa bé.
Hắn nhìn thao láo vào cái quạt trần đang bất động, chợt một ý nghĩ len vào đầu
làm hắn thích thú: “Hà! Dòng máu giang hồ của ta lại sạch sẽ hơn máu của kẻ bảnh
bao kia. Ai mà ngờ được, ẩn trong cái vỏ bề ngoài sang trọng, khả kính, là cả ổ vi
trùng gớm ghiếc”. Cô y sĩ khẽ nâng đầu hắn lên lót vào chiếc gối trắng thơm dìu
dịu. Thái độ chăm sóc ân cần, dịu dàng ấy làm hắn xúc động… Mắt bỗng cay xè.
Khóc ư ? Không, hắn vui vì lần đầu tiên trong đời đã làm được một điều có ích cho
người khác và hiểu giá trị của việc làm đó. Cô y sĩ rút mũi kim xong, đưa cho hắn
ly sữa nóng có pha thêm đường. Hắn vừa thổi vừa uống cạn. Các y, bác sĩ đưa đứa
bé sang phòng mổ. Mọi người tập trung cả vào đó. Hắn nhổm dậy đặt chân xuống
đất, đứng lên, đầu còn choáng váng. Hắn lảo đảo ra khỏi phòng…
Cánh cửa phòng mổ xịch mở. Vị bác sĩ bước ra, tay cầm chiếc khăn lau mấy
giọt mồ hôi trên trán. Vợ chồng người đàn ông chạy lại. Vị bác sĩ mệt mỏi nói:
– Ca mổ thành công, cháu bé đã qua cơn hiểm nghèo …
– Xin cảm ơn bác sĩ, người đàn ông nói nhanh.
– Người ông cần phải cảm ơn không phải là tôi đâu.
– Vâng! Tôi hiểu! Tôi hiểu!
Vừa đi dọc theo hành lang, ông ta vừa ngẫm nghĩ: “Trông hắn thế kia chắc đang
nghèo khổ, thất nghiệp. Hay là, mình tạo cho hắn một việc làm? Nhưng mình đã
biết gì về hắn? Lý lịch ra sao? Biết sắp xếp vào việc gì? Hồi nãy, trong lúc bốc
đồng, mình lại kể cho hắn nghe điều bí mật. Thật là tai hại! Sao mình ngớ ngẩn
quá! Nếu hắn làm lộ ra thì lắm rắc rối, mất hết uy tín, danh dự… Thôi thì cho hắn
ít tiền, bảo hắn biến đi coi như chưa từng quen biết. Bao nhiêu cho vừa: Hai trăm
nghìn? Năm trăm nghìn? Một triệu? Với hắn một triệu có nhiều lắm không?”. Ông
ta lẩm nhẩm tính… Đi hết hành lang, đến chỗ bậc cấp, ông ta chợt sững sờ… Hắn
đâu rồi? Ông ta đảo mắt tìm đi tìm lại vẫn không thấy. Ông ta ra cổng hỏi người
bảo vệ:
– Bác có thấy một người… Ông ta không biết tên, chỉ tả vài nét về dáng người
kịp nhớ được.
– Thằng ăn mày chớ gì? Nó đi rồi. Tôi theo dõi nó từ nãy giờ. Ngữ ấy, nếu
không cẩn thận, nó chôm hết đồ đạc cho mà coi.
Người đàn ông bước vội ra cổng với một cảm giác rất kì lạ. Ông ta nhìn xuôi
ngược. Dưới ánh sáng của những bóng điện cao áp, con đường về khuya càng lặng
ngắt. Lá rụng lác đác trên vỉa hè. Tuyệt nhiên, không một bóng người.