Trầm cảm mùa xuân
Lyly bị triệu chứng này khá trầm trọng từ thời mới lớn. Cứ mùa xuân đến tháng 3, cô phải đến bác sỹ tâm lý. Trong nhiều năm, cô chịu đựng, vượt qua. Có lúc tưởng như không còn trên đời nữa, cô đã từng muốn tự tử. Đó là triệu chứng bệnh lý của những người quá nhạy cảm với sự chuyển đổi của thời gian và vũ trụ. Lyly chữa bằng nhiều cách khác nhau, có lúc tưởng như tuyệt vọng. Rồi cô cũng vượt qua bằng những trang viết hay sự sáng tạo của mình một cách diệu kỳ. Như một thói quen đặc biệt cô chấp nhận sống chung với nó. Mùa xuân năm nay, giữa dịch bệnh, Lyly lại tỉnh táo hơn. Có lẽ, những khó khăn bất trắc nặng nề khiến cho con người cân bằng hơn để thích ứng. Lyly đang thấy những thay đổi ấy. Cô không thể chìm lấp trong những cảm xúc tiêu cực hay những tưởng tượng về cái chết. Những người thân của cô đã dần ra đi. Cô không thể. Hàng năm, thành phố nơi cô sống, có hàng trăm người chọn cái chết này như một đặc quyền. Ở nơi này, cũng là nơi chấp nhận quyền được chết như sống. Nhưng tự tử từ những trầm cảm thì xã hội luôn quan tâm, cảnh báo. Số điện thoại quen thuộc ấy dán khắp nơi và có thể chỉ cần gọi đến khi bạn đang hối tiếc. Lyly từng chứng kiến cái chết của bố một người bạn, ông ở một mình trong một căn nhà cũ nhỏ bé bên rừng. Mấy tuần, không thấy ông liên lạc gì, bạn của Lyly đến thăm cha, ông đã chết trên chiếc giây thừng trong phòng ngủ.
Những cái chết lặng lẽ, đầy yên ắng. Những cái chết do mỗi người lựa chọn có lẽ cũng là những cái chết bình an.
Bà nội Lyly lúc bị ngã sau khi ông nội ra đi, mặt bà bị nát bươm ra, nếu còn tiếp tục sống bà sẽ không như xưa được nữa. Bà chọn một cái chết nhẹ nhàng, với sự đồng ý của bố mẹ Lyly. Bà nội ra đi, Lyly choáng váng một thời gian bởi ông bà nội luôn ủng hộ và yêu thương Lyly như người thân nhất. Lyly gắn bó với ông bà trong nhiều sự kiện của gia đình và các chuyến đi xa.
Thời sau thế chiến thứ nhất, người họ hàng nhà Monser cùng gia đình với bố Lyly cũng chết vì dịch bệnh, lúc đó sau chiến tranh cũng như không có thuốc chữa, y tế không phát triển, số người chết lên tới 100 triệu người. Lịch sử nhân loại đi qua những cuộc chiến trong đó có những cuộc chiến về bệnh tật, dịch bệnh như một nỗi khủng khiếp ám ảnh, và nó luôn nhắc lại, lặp lại với những tên gọi khác.
Dịch bệnh của thế kỷ 21, cơn biến động toàn nhân loại từ sau thế chiến thứ 2.
thành phố vắng
người người ở nhà
siêu thị vắng dù còn đầy hàng hoá nhiều nhân viên
người người ở nhà
toàn nhân loại trong tình trạng tê liệt, khủng hoảng
không cần bom đạn thuốc súng
dịch bệnh lây lan cho nhau
trong im lặng đớn đau
chia rẽ các tình yêu
chia rẽ các lục địa và đại dương
chia rẽ các đường bay
chia rẽ chia rẽ
những cố gắng không đủ đầy
những ác nghiệt hả hê
nhưng tình yêu luôn chiến thắng
tình nhân loại sẽ chiến thắng
còn lại những vết loang sâu
những virus biến dị
những mặt người biến dị
những dân danh biến dị