đại tây dương, hai ngàn cây số-THỤY

Hình ảnh trích từ https://www.pinterest.com

 

 

 

khi tôi chuẩn bị vĩnh viễn rời khỏi đại tây dương để trở về nhà sau hai mươi năm thì gặp cậu ta
đang hỏi đường tới đó. tôi vẫn nhớ cậu ta trẻ măng, nhưng mỏi mệt. hiếm có ai từng ấy tuổi lại
tìm đến đại tây dương mà không phải để trầm mình. chúng tôi đã chờ hơn nửa ngày ở sân ga
bóng nhẫy mồ hôi mấy trăm người nằm mắc kẹt, hoàng hôn treo vô vọng phía bên kia đoàn tàu
chết giãy, còn lâu mới sửa xong cái động cơ chết tiệt đó, không sao nếu như cậu không vội, chỉ
cần lên được chuyến này, đi về hướng tây, đợi mặt trời lặn hai lần thì xuống tàu ga áp cuối,
ngược lên trung tâm một chút nếu cậu muốn bắt xe, bằng không thì cuốc bộ xuôi theo hạ lưu
con sông, chừng một ngày thì ra cửa biển. sắp sửa mùa hoa sưa, cuốc bộ hơi nhọc nhưng cũng
thú, trừ phi cậu chịu được mùi chua của hơi người và phân vịt trên mấy cái xe đò. xe ở đây vỡ
cửa sổ, trần két gỉ, rách bươm, lên xuống ổ voi thì kêu rền rĩ. không còn cách nào khá hơn đâu,
vì cậu đang đi đường thung lũng, chẳng có ai đi đại tây dương từ thung lũng, họ đều bắt tàu từ
thị trấn phía đồng bằng. tôi biết, cậu ta gật đầu, không mở mắt, lượt đi tôi đã đi qua đồng bằng,
bây giờ trở về thì không còn thời gian để lội ngược xuống ấy. cậu làm gì mà lên tận vùng cao
nguyên này? ba ngày ba đêm, tôi đến đây để chôn một người chết. à, người chết, người ta vẫn
chôn người chết nhỉ, ở đảo thì chúng tôi thường không chôn mà đốt. anh ở đảo? phải, phía bắc
đại tây dương, còn cậu? không hẳn là đảo, chúng tôi có đầm nước sâu và cảng lớn ven bờ. cậu
làm gì? trại bò, đồng muối, tàu cá? tàu cá. chúng tôi đang ở giữa mùa. tôi hy vọng có thể về kịp
trước khi người ta cất lưới. phải rồi, mùa xuân, cá lứa này thì đẹp. anh cũng từ tàu cá? không, tôi
không đánh cá, nhưng ở đảo lâu thì cũng thành tay câu nửa mùa. bao lâu? cũng tầm hai mươi
năm. anh ở đâu tới đảo? mẹ tôi có một trại mổ lợn trên núi này, xuống tàu đi khoảng hơn một
ngày nữa thì đến, một cái làng neo người xung quanh đầy những cây tầm ma. anh rời làng đi
đảo được hai mươi năm? nghe xa xôi đấy, nhưng cũng chẳng có mấy mà phải ngậm ngùi hay
hoài niệm. cậu? tôi từ thành phố, lang bạt được vài năm. và cậu đi đại tây dương chỉ để đánh
cá? việc dễ làm nhất, không phải sao, chủ tàu bảo mùa cá nào cũng đau đầu vì thiếu người. lạ
nhỉ, hồi bằng tuổi cậu thì lũ chúng tôi chẳng thiết tha chim cá gì, chỉ hò nhau đi đại tây dương để
chết. chết? phải, nhảy xuống biển, từ bất cứ đâu. thời của chủ nghĩa lãng mạn ấy mà, đứa nào
cũng muốn tự giải phóng. càng đi xa để chết thì càng vĩ đại. thế giới càng tàn bạo và khốc liệt lại
càng khiến người ta nuôi ảo mộng anh hùng.

 

 

 

vậy nên anh đi tới đảo? ngoài dự tính. tôi đã nhảy mãi mà không xong. chẳng ai muốn tới sống
trên một cái đảo, lại còn là cái đảo heo hút toàn dân man di, kiểu như, không phải một sân khấu
đủ hoành tráng. đảo anh cách bờ rất xa ư? hơn bốn tiếng đi thuyền nhỏ. không bao giờ có
thuyền lớn mà đi. ít có ai ghé qua và cũng chẳng ai biết. có lẽ tôi là kẻ di cư cuối cùng. ngày tôi
tới, họ tưởng tôi điên. sau tôi, hầu như không ai bên ngoài đến mà ở lại được nữa. biết không
chừng tàu chúng tôi đã từng qua đó. tôi không chắc, cũng có thể, nếu cậu đã từng ở đó, có khi
cậu cũng không nhớ được gì nhiều. đảo không có tên, chẳng ai đủ thời giờ mà suy nghĩ đặt tên gì
cho nó. vả lại, nó quá bé, mấy chục năm ròng người ta nằm xuống mảnh đất lềnh phềnh dưới

chân họ và quên hẳn rằng phần còn lại của thế giới thì vẫn đang không ngừng nở rộng ra đâu đó
ngoài kia, với cái đà này thì đằng nào nó cũng bị xoá sổ khi người cuối cùng trên đảo lìa đời, vậy
cũng tốt, cứ vô danh, đỡ rình rang hơn hẳn việc phải chọn một cái tên và sau đó không thể mang
theo lúc chết. cái tên còn lại của một cái đảo hoang đã từng đông người sẽ giống như là một cái
chết không bao giờ được hoàn tất. người ta chết nhiều? nhiều, trên đảo ấy thì họ còn chết
nhanh. cậu biết đấy, đắm tàu, bệnh tật, đám thanh niên bỏ mạng ngoài khơi còn người già và
trẻ nít thì vật lộn với đêm ngày dềnh lên không lối thoát. cũng có vài nguyên do khác, nhưng
chẳng hơn được, cuộc đời quá buồn. có hôm lò thiêu nhận đến tận bốn cỗ quan tài, nói là lò
nhưng thật ra chỉ là một cái thùng sắt cao hai mét và ở dưới thì đốt củi. vậy mà phải nhét đến
bốn cái thây, mỗi cái cách nhau ba tiếng đồng hồ, chồng lên nhau cháy dở, không khác gì địa
ngục. lò thiêu, ý anh là thiêu xác? phải, lò thiêu xác. anh bảo trên đảo người ta không chôn
người chết? không, họ không chôn. người trên đảo không được giữ lại, kể cả thân thể, hay bất
cứ gì cho mình. chết là một hành động, và họ đều phải về với biển.

 

 

 

anh làm nghề thiêu xác? tôi làm nghề thiêu xác. anh đến đảo để làm nghề thiêu xác? tôi không
hẳn là có cái dự định ấy, dù thế nào đi nữa nghe vẫn thật quái dị. ngày mới dạt lên đảo tôi được
cưu mang bởi một ông già có ba đời hành nghề hoả táng, chẳng được bấy lâu thì lão chết, không
con cái, một buổi chiều tôi bỏ lão vào lò và cứ vậy tiếp tục đốt hết người này đến người khác,
đốt ròng rã hai mươi năm. hai mươi năm, tôi đã thiêu xác của những người trên đảo và bao giờ
người ta cũng bảo rằng cứ mỗi cái xác được thiêu là lại có một linh hồn bốc cháy cho đến ngày
trăng thì rụng xuống. nó thế nào? cái gì? cảm giác khi phải rờ vào cái chết? tôi không động tay
vào xác chết, cùng lắm chỉ đến mép quan tài, hoặc miếng vải bọc, nếu là xác vô danh. người chết
không có mùi. cái chết mới có mùi. còn cảm giác ư, đáng lẽ cậu nên hỏi cái chết cảm thấy thế
nào khi rờ vào tôi. nó rờ vào tôi, không phải ngược lại. thật kỳ ảo, hồi đó chỉ vừa hai mươi mấy
mà đã tự biến mình thành chiến binh cứ khát cầu cái chết. lúc tôi đi mẹ tôi vẫn còn ngủ trong
buồng. cậu tưởng tượng được không, tuổi trẻ thật kinh khủng. khoác cái áo rách túi, bên trong
vẫn chỉ độc một cái may ô, rồi đi, hai ngàn cây số. ngày đó vì khổ sở với chứng nghiện thuốc và
việc mối lái cho đám mổ lợn nên mẹ tôi đã không kịp làm gì cả. nếu biết, có khi bà sẽ tìm mọi
cách chốt cửa hoặc tống trói tôi trong chuồng tối, dù sau đó tôi vẫn có thể nhảy rào. không đâu
trời ạ, ai mà tưởng được mình đi khỏi cái chuồng hôi hám ở miền đông, nơi người ta thọc tiết
lợn ba cữ một ngày và mùa hè thì mấy con chó chết khô vì phải ăn đá sỏi, để làm nghề thiêu xác.
lúc nhảy xuống biển, trong đầu tôi chỉ luẩn quẩn mỗi một việc là đá cứ bị rơi ra khỏi cái túi áo
rách, gờ nhọn chĩa ra chọc vào sườn, không đủ đá nặng thì sẽ chìm không đủ lâu và xác sẽ
trương lên trong vòng ba ngày kế tiếp, mà rõ ràng, như thế thì thật thảm hại. trong làng khi đó
vẫn còn lưu truyền chuyện một tay thanh niên vạm vỡ đã lao xuống núi mất xác, cả tháng sau
mới thấy bộ quần áo của hắn nổi lên trên biển cách đó trăm cây số, còn người ngợm hắn thì
tuyệt nhiên vẫn không tăm tích đến tận bây giờ. vì sao ư? chẳng vì lý do gì, cảm tử, cậu hiểu
chứ? một cái chết lâm ly. tóm lại là tôi đã không được chết lâm ly. nhiều người muốn được chết
lâm ly. tôi đã đốt không biết bao nhiêu là người đã chết lâm ly. đặc điểm chung của họ là đều
trông như còn đang sống. cái chết phải nom hệt một tai nạn bất ngờ. dù chính họ tự mình trải

nó ra rồi nằm lăn trên đó. tôi hiểu, tôi hiểu ý anh, chết lâm ly, nhiều người muốn được chết lâm
ly, cô ấy cũng đã chết lâm ly. cậu nói ai? người tôi vừa chôn vài ngày trước. cô ấy nằm như ngủ,
viết rất nhiều thư cho tôi, thư đã gửi bớt đi rồi mà vẫn còn vương vãi trên bàn, dưới sàn nhà,
trong các lỗ thông gió. cô ấy là một người viết. và cô ấy muốn chết. chết lâm ly. tôi đã đào đất,
ba tấc, bằng tay, giữa mùa đông và ngửi mùi bốc lên từ các kẽ móng. không phải là mùi cô ấy.
người chết không có mùi. anh nói đúng, cái chết mới có mùi. tôi không thấy được cái gì đã mất
đi, mọi thứ vẫn còn nguyên, nhưng rõ ràng bên trong tôi đã không còn như cũ nữa. còn nguyên,
nhưng không như cũ, cậu nghĩ xem có phải không, đó là việc cái chết phải làm. tôi đã đi bộ rất
lâu từ đỉnh đồi xuống thung lũng, lại lên đỉnh đồi, tôi ôm lấy một gốc cây, nức nở, nhưng cái thứ
đó vẫn không rơi ra, cái thứ khiến tôi tan biến từ bên trong nhưng vẫn không thể biến mất. cái
chết phải làm cho chúng ta muốn chết, mà không thể chết. cậu còn rất trẻ. cậu không thể tránh
khỏi nó, dù có theo chủ nghĩa lãng mạn hay không. bài học xương máu đấy, chắc chẳng có cơ hội
bàng hoàng vỡ ra như thế nếu tôi không được người trên đảo vớt lên bờ.

 

 

 

tôi cũng không biết nữa, vai áo cậu ta run run và tôi ngửi mùi buổi chiều tàn rụi, tôi không thở
được, nhưng cũng không thể làm gì khác. giá như nó là một nỗi đau, một mất mát, có lẽ mọi
chuyện đã dễ dàng. anh nghĩ vậy không, chẳng có gì dễ dàng khi người ta còn trẻ. không phải,
chẳng có gì dễ dàng khi người ta còn sống. vậy sao, rồi cậu ta thở dài, chắc cô ấy đã nghĩ vậy mà
chết. ngừng một hồi lâu. cậu ta tiếp tục thở nặng nhọc. tay trái cứ nắm chặt quai một cái túi
bằng da đã sờn mép. Groktek Rasthenberg? anh biết nó? nhãn hiệu này đã lâu không còn sản
xuất nữa, không ngờ vẫn còn người dùng, bao lâu rồi nhỉ, từ cái thời mẹ tôi còn rất trẻ, bà cũng
có một cái cất trong tủ kính, cái này da sờn rồi, nhưng không sao, vẫn còn cái vẻ hoàng kim bậc
nhất, nghe này, cậu có thể ranh ma trong chuyện làm ăn để thổi phồng tiếng tăm của mình cho
nó xuất hiện khắp nơi, nhưng khí chất thì không phải cứ dùng cái trí là có được, mẹ tôi từng kể
ông chủ hãng Groktek Rasthenberg là một tay cuồng tín, gã nuôi rất ít nhân công chỉ vì không
muốn trao cái việc luồn từng mũi kim qua lớp da này cho kẻ nào gã cho là thô thiển, gã làm việc
và uống rượu mỗi đêm cho tới khi thở ra máu, gã cũng chưa qua ba mươi mấy, người ta dọn xác
gã trên bàn may, phao tin gã thờ quỷ satan để tiện khai tử hãng đồ da, đốt kho xưởng, bán tống
mớ gia sản kếch xù. tàn bạo và khốc liệt, thế giới đấy, thì sao, chẳng ai quan tâm đến tâm huyết
của cậu kể cả khi cậu còn sống, họ, tất cả họ, đều chỉ muốn kiếm ăn. ngày gã chết mẹ tôi vừa
nằm vừa khóc, khóc còn hơn lúc cha tôi bỏ chạy với nhân tình, đợt ấy bà cũng phải tăng liều
amphetamine để hãm chứng ngủ rũ bắt đầu trầm trọng, sau rồi bà cất cái túi trong tủ kính chỉ
để ngắm chứ không đeo bên người nữa, bởi với bà thì nó đại diện cho một cuộc đời đã sụp đổ
theo cách rất vô lý và đau lòng. ra vậy, tôi đã thắc mắc mãi vì cái tên Grotek Rasthenberg nghe
rất lạ. cái túi không phải của cậu? không, của cô ấy. người đã chết? cô ấy nhờ tôi đốt nó đi cùng
mớ chữ nghĩa, nhưng tôi đã giữ lại, để đựng cái này. gì thế, sách? Henry M., cũng của cô ấy.
Henry M., chí tuyến, thời của những kẻ giết người, mùa xuân đen? mùa xuân đen. xem này tôi
cũng có một cuốn, tôi lấy ra từ trong túi áo cho cậu ta xem mớ giấy tả tơi ngả màu bùn, tôi mang
theo từ lâu lắm rồi, hồi mới bỏ nhà đi, tôi nhặt được nó trong nhà của một bà già chết ngồi trên
ghế. bà ta chết trong lúc xem ti vi. ban đầu tôi đứng đợi bên tường rào nghe cái ti vi bật liên tục

suốt mấy ngày mấy đêm, đoán người trong nhà có khi đi vắng mà quên không tắt chương trình
truyền hình còn chiếu dở. tôi định lẻn vào ôm cái ti vi chạy về cảng tàu phía nam, thời đó bán đi
cũng được vài bữa no nê và dăm chuyến đường dài xuyên biển bắc. bây giờ nghĩ lại, đó hẳn là
cảnh tượng kì vĩ nhất tôi được ban cho khi chỉ mới hai lăm tuổi, ánh sáng xanh vô nghĩa ồn ào
không ngừng chớp loá từ cái ti vi, như đám chuột hôi hám và ướt sũng, hì hục nhảy múa trên
một cái xác mà lặng im đang làm tổ. lặng im, tuyệt đối. tôi nhặt mùa xuân đen rơi dưới chân
ghế, ngồi xuống sàn đọc từ trang ba mươi sáu đến hết, rồi bốn giờ sáng, tôi trở ra theo lối tường
rào, mang theo cuốn sách, thay vì cái ti vi, không bao giờ quay lại để biết rốt cuộc người ta sẽ
nhìn, hay nghe thấy cái chết của bà già, tôi chỉ biết mình cần phải chạy. ai còn trẻ cũng từng
muốn một cái chết đủ bi đát, cho đến khi họ phải thật sự nhìn thấy cái chết, bị nó rờ vào đến
giữa lưng, giữa bụng. tận lúc ra khỏi đó tôi mới biết sợ. tôi sợ bị đuổi kịp. cái chết ở ngay đó,
phía sau tôi. cái nỗi khiếp đảm hồi hộp ấy đâm vào thân thể và khiến người ta phải hoảng hốt
nhận ra mình không đủ sức để chống chọi bao giờ. nhưng mà nhờ sự vụ ấy, tôi có gan đi đến tận
đại tây dương để chết. mùa xuân đen sau đấy thì nát bươm, bởi, như cậu đã biết rồi, tôi rốt
cuộc không chết được và phải trồi lên từ đáy biển. dù đã được khâu lại bằng chỉ thô, cứ vài trang
nó lại nhoè mất chữ. cũng chẳng sao, còn tốt chán, đã đọc nó suốt hai mươi năm, tôi thuộc nằm
lòng, từ trang ba mươi sáu cho đến hết, như một nghi thức, mỗi khi đợi xác bén lửa trong lò.
hoá ra là, thứ văn chương không uỷ mị mà rất trần thịt của Henry M. giữ tôi đủ bình tĩnh để
nghe sự xảy ra của cái chết, hay cái đã chết. tôi sợ phát khiếp văn chương uỷ mị. nhờ Henry M.
tôi sống qua được mùi tro khét và nỗi ám ảnh chính mình cũng bị đốt cháy.

 

 

 

bây giờ thì sao? bây giờ? anh đang rời khỏi đại tây dương? phải. bao lâu? mãi mãi. anh đi đâu?
có lẽ, về nhà. nhà? cái trại lợn, cây tầm ma, trên núi kia, và mẹ tôi, người ta báo tin cho tôi bà
hấp hối. anh sẽ về kịp chứ, tàu đã kẹt cả ngày trời. không sao, đằng nào cũng muộn, sốc thuốc vì
chứng nghiện thuốc, còn trụ được tới giờ là may, chỉ cần họ cứ giữ nguyên xác bà đến lúc tôi về
là được. tôi không biết mình cần phải phản ứng hay là không phản ứng. thậm chí tôi đã định
không đi. tôi đã không làm con trai của mẹ tôi trong vòng hai mươi năm, cậu nói xem, chẳng dễ
để nhớ lại chính mình. nhưng cuối cùng anh đổi ý? cậu biết cái đó không? anh nói cái gì kia?
khoái cảm khi đặt mình giữa vòng vây của một cái gì đang bị tắt dần đi khỏi sự sống, cậu biết
chứ, cái đó, không phải lúc nào nó cũng mơn mởn. nếu không thường xuyên bôi lại, nó sẽ phai.
giống như chúng ta, nó cũng già đi, co rút lại, và biến mất. tôi chưa hiểu ý anh là gì? mấy hôm
trước người ta tìm thấy xác một người đàn ông trong một cái tủ đông lạnh, tôi đốt lò thiêu xong
thì nửa đêm kín đáo đi bộ đến hiện trường, đem theo mùa xuân đen ngồi xuống đúng vào vuông
gạch chỗ cái tủ mà dĩ nhiên là người ta đã khuân đi mất. tôi ngồi đó, trống trơn, tưởng tượng
mình là người đàn ông đã chết, lật cuốn sách, trong khoảng rộng vừa đủ của cái nấm mồ lạnh
buốt mà ông ta đã quyết định chôn mình, cố gắng đọc thật chậm để bắt lấy tiếng động của một
dịch chuyển tinh vi, đợi chờ cái chạm khẽ tàn bạo và sắc nhọn của nó trên da thịt. vậy mà, không
có gì xảy ra hết. mấy năm trở lại đây, tôi bắt đầu thấm thía rằng mình không còn trẻ nữa. tôi,
bây giờ, đã đi rất xa khỏi tuổi hai lăm với ánh sáng xanh biết nhảy múa quái đản mà kì diệu kia.
tôi phải chấp nhận việc mất đi khả năng nhận biết cái chết. nó, chỉ còn lại những dấu vết mờ mờ.

trống trơn. sau rất nhiều năm quần quật đốt xác người, tôi mới lại trải qua cái trống trơn kì khôi
hồi còn chưa hai mươi mấy, chưa bỏ nhà đi, chưa biết mình sẽ phải sống trên đời, chưa biết cái
chết, chưa biết cái sống. tôi ra bờ nước. tôi ngửi mùi tro trên tay mình. tự nhiên tôi chóng mặt.
rồi tôi khởi sự đi. tôi cứ vậy mà đi vào giữa biển. biển không có màu gì. một cái lỗ há miệng. tôi
úp mặt vào nước nói rằng giá như cuộc đời tiếp tục quá sức với tôi, tôi sẽ lại chạy, để được thấy
cái mình đang hổn hển thở ra là sự sống. lúc đó tôi nghĩ tới mẹ tôi. tôi nhận ra mình muốn đốt
xác bà. đã quá lâu, và chúng tôi thậm chí còn là máu mủ, nếu chính tôi đốt mẹ tôi, nếu chính tro
cốt của mẹ tôi bám lên tôi, làm thành tôi, biết đâu, biết đâu đấy, tôi sẽ lại biết sợ, và cái chân
tôi, có thể lắm chứ, cái chân tôi sẽ lại được chạy bạt vía trong nỗi sung sướng kinh hoàng. đêm
ấy tôi bị sưng phổi. tôi thở phào trong sự run rẩy và yếu ớt của việc phải làm người. song, như
tôi đã nói đấy, nó chỉ còn là những cái vết, mờ, một trận sưng phổi cũng chỉ là toa giảm đau, khi
ngừng ở trong trạng thái nguy kịch, tôi lại trống trơn ghê gớm. vậy nên, mươi ngày sau tin báo,
tôi mới quyết định quay về nhà, để đốt xác mẹ. tôi mua vé tàu đi ngay, đi khỏi đó, đại tây dương
của tôi, mãi mãi.

 

 

 

rồi cậu biết gì nữa không. hai ngàn cây số ra đi, hai ngàn cây số trở lại, giờ thì, điều khủng khiếp
nhất trong đời, thật ra không phải chủ nghĩa lãng mạn khi còn trẻ, mà là sau hai mươi năm, cậu
vẫn còn lềnh bềnh trong nước biển đại tây dương, đá vẫn rơi ra khỏi túi áo rách của cậu, không
đủ nặng để kéo cậu xuống đáy, và cũng chẳng một ai lôi cổ cậu lên bờ. tôi vẫn ở đó đấy, vẫn
ngụp lặn giữa lưng chừng biển, tôi nghĩ, có khi chẳng ai cứu tôi thật, tất cả, không cứu được
nữa, vẫn chỉ là những toa thuốc giảm đau, và sớm thôi, tất cả, đều chẳng còn tác dụng.

 

 

 

nghe này, anh, tôi không chắc mình theo kịp đến đâu, cậu ta ngả đầu vào ghế, nhìn thẳng lên
trời, không chắc sẽ cần phải tự tay chôn bao nhiêu người nữa để thật sự hiểu hết lời anh nói,
mười năm, hai mươi năm, tôi mù tịt, không biết sẽ lại dạt về phương nào, tôi thấy xa xôi, nhưng
cũng chẳng quá khó nhọc, chỉ là, tôi còn quá trẻ, phải không, tôi còn quá trẻ để hiểu. cậu còn
quá trẻ để có thể đứng vững trước cái chết, và đó thậm chí còn không phải là cái chết của chính
cậu. nhưng cậu phải biết, cái yếu đuối khi mới vào đời, đó là một ân huệ, cậu vẫn còn đang nghe
được cái phập phồng trong mình, cái sợ bị sự chết kia đuổi kịp. đúng vậy, không phải là nỗi đau.
không phải là bất cứ gì khác. cậu còn sống. chừng nào cậu còn phập phồng thế này thì cậu cứ
còn đang sống. quả thật, nếu người ta không thể qua khỏi hai mươi mấy năm đầu đời, chết là
một cảnh tượng lý tưởng để được tồn tại, cũng như cùng lúc, có thể một cách lâm ly, chấm dứt
chính tồn tại đó. lúc này cậu chưa hiểu việc chết, cậu chỉ đang choáng váng, cậu chưa hiểu. phúc
lành cho kẻ nào không cần phải vật vã tìm mình trong cái chết. phúc lành cho kẻ nào còn chạy,
để thấy cái chết ở phía sau. phúc lành cho cậu. phúc lành, không còn cho tôi nữa. là anh bi quan,
hay đang ngộ ra cái biết? tôi không rõ, như nhau cả rồi, đến tuổi tôi, chắc là cậu sẽ hiểu. cảm ơn,
tôi hy vọng thế. đường còn dài, cậu không cần phải đến đại tây dương để chết. như tôi, như tất
cả, chúng tôi. anh sẽ, cái chết, của anh, anh nghĩ, cái chết thế nào? thế nào ư, cái chết, thế nào,
một buổi chiều cậu băng qua đồng, buổi chiều trời mưa, ễnh ương nằm phềnh bụng tắt thở, và

cỏ ướt đâm vào lòng bàn chân, không biết đang đi đâu, cậu phải chạy, cậu chạy mãi mà không
rơi xuống, không thấy gì cả, không ranh giới, một cái gì đang câm đi, nó đã từng có tiếng nói,
nhưng rồi nó câm đi, cậu, từ bên trong, tan biến. cậu vẫn đây, nhưng cậu tan biến. và cậu chỉ có
một mình.

 

không sao, đường còn dài. không sao, thế giới tàn bạo và khốc liệt.

 

nhưng cậu sống. ở trong nó.

Please follow and like us: